Siết chặt kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU

Thứ sáu, 17/02/2023 14:18
(ThanhtraVietNam) - Ngăn chặn, loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản về hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và thực hiện cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Quan điểm trên của Chính phủ Việt Nam sẽ được cụ thể hóa bằng “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.

Đồng thời, quan điểm của Chính phủ cũng nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023

Mục tiêu của Kế hoạch hành động là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản; nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023.

Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Tiếp đó, mục tiêu của Việt Nam nhằm quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành Thủy sản vì lợi ích người dân và quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, nhiều giải pháp đồng bộ sẽ được triển khai. Bên cạnh giải pháp về thông tin truyền thông và khung pháp lý, cơ chế, chính sách thì nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá là vô cùng quan trọng.

Trong đó, rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của các địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Đồng thời, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

leftcenterrightdel
 Bên cạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì hoạt động tuyên truyền đề người dân đánh bắt hải sản hợp pháp cũng rất quan trọng. Ảnh: Tràng An

Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể cá nhân theo dõi, quản lý.

Đáng chú ý, hoạt động kiểm tra, kiểm soát sẽ được tiến hành trên 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát cũng được tiến hành đối với tàu ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết VMS hoạt động 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng và nhập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh, tàu cá của các tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác...

Nhóm giải pháp về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được xác định rõ với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó phải bố trí đủ nhân lực thủy sản, kiểm ngư, thú y tại cảng cá, cảng biển và Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thủy sản từ khai thác trong nước và nhập khẩu.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Nhóm giải pháp về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm cũng được xác định rõ: Chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.

Các lực lượng chức năng cũng sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác vi phạm theo quy định.

Cũng trong nhóm giải pháp này, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ được tiến hành, trường hợp vi phạm được xử lý nghiêm, nhất là với các cảng cá chỉ định, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Theo “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”, nhiều nhiệm vụ giải pháp lâu dài khác cũng được nêu rõ với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong nỗ lực cụ thể hóa các mục tiêu mang tính chiến lược nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản về hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên các vùng biển và thực hiện cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên...

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra