Tăng cường các khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính toàn cầu

Thứ ba, 28/05/2024 17:30
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng có tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng và dân chủ, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm suy giảm niềm tin vào chính phủ. Do đó, trong những năm gần đây, các quốc gia trên toàn cầu đã tập trung tăng cường các khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính.

Triển vọng Chống tham nhũng và liêm chính năm 2024 ra đời nhằm mục đích hỗ trợ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong việc chống tham nhũng và duy trì tính liêm chính. Dựa trên dữ liệu trong các Chỉ số Liêm chính công của OECD, Triển vọng làm sáng tỏ những khía cạnh chính của khuôn khổ liêm chính của các quốc gia và chỉ ra các cơ hội cải thiện, đồng thời, nhấn mạnh những thách thức mang tính toàn cầu làm tăng áp lực lên khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính của các quốc gia. Triển vọng cũng đề cập đến những thiếu sót trong hệ thống chống tham nhũng và liêm chính của các quốc gia trước những thách thức trong tương lai.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: www.trade.gov.tw) 

Khoảng cách trong việc thực hiện khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính

Theo đánh giá của OECD, phần lớn các nước OECD áp dụng cách tiếp cận chiến lược để chống tham nhũng và liêm chính, tỷ lệ thực hiện trung bình các hoạt động theo kế hoạch vẫn ở mức 67%, cho thấy khoảng 1/3 số hành động theo kế hoạch chưa được thực hiện. Tương tự, các quy định về quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ nhìn chung rất chặt chẽ, nhưng trên thực tế chỉ có một số ít quốc gia OECD tiến hành đánh giá rủi ro một cách có hệ thống.

Hơn nữa, mặc dù có những quy định chặt chẽ về xung đột lợi ích nhưng các nước OECD chỉ thực hiện trung bình 40% các thông lệ tiêu chuẩn trong lĩnh vực này. Và các biện pháp trừng phạt đối với việc không tuân thủ hiếm khi được thực thi. Mặc dù một số khía cạnh nhất định của khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính có mức độ triển khai tương đối cao, nhưng vẫn có khoảng cách đáng kể trong một số lĩnh vực.

Nhìn chung, các nước OECD đáp ứng trung bình 61% tiêu chí tiêu chuẩn về quy định, nhưng tỷ lệ thực hiện giảm xuống còn 44%, dẫn đến khoảng cách thực hiện là 17%. Khoảng cách này có nghĩa là một số tác động dự kiến và quy định của khuôn khổ pháp lý không được thực hiện, điều này làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả các quốc gia trong việc giảm thiểu rủi ro tham nhũng.

Tăng cường thu thập dữ liệu quốc gia về việc thực hiện các khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính

Nhiều quốc gia OECD không thu thập đầy đủ dữ liệu và thông tin về việc thực hiện các khuôn khổ chống tham nhũng và liêm chính. Cụ thể, hầu hết các nước OECD không thu thập dữ liệu về mức độ kiểm toán ngân sách quốc gia hoặc việc tuân thủ các khuyến nghị của kiểm toán nội bộ.

Theo OECD, 60% các nước OECD không giám sát việc thực hiện các chiến lược chống tham nhũng và liêm chính, điều này cho thấy có một khoảng trống đáng kể trong khâu giám sát. Do đó, cải thiện việc thu thập dữ liệu là điều cần thiết để tăng cường giám sát và đánh giá hệ thống nhằm đạt được những cải tiến bền vững. Mặc dù, các Chỉ số Liêm chính Công của OECD đang giải quyết khoảng trống dữ liệu này nhưng việc tăng cường thu thập dữ liệu quốc gia vẫn rất quan trọng.

Trong khi nhiều quốc gia OECD tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như quản lý nguồn nhân lực và mua sắm công trong chiến lược chống tham nhũng, thì vẫn cần phải giải quyết các rủi ro tham nhũng và liêm chính đang nổi lên, chẳng hạn như những rủi ro liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh. Sự tham gia ngày càng tăng giữa chính phủ và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh làm tăng khả năng dễ bị tổn thương trước rủi ro, đòi hỏi phải có cách tiếp cận chủ động hơn.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong công tác chống tham nhũng

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những bước phát triển công nghệ quan trọng nhất trong những năm gần đây và mang lại nhiều cơ hội cho các có quan chống tham nhũng và liêm chính.

Cơ quan thuế Thụy Điển (STA) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện việc kiểm toán và đánh giá rủi ro liên quan đến thông tin từ 150.000 tờ khai thuế viết tay mà cơ quan này nhận được hàng năm. AI được sử dụng để chuyển đổi văn bản viết tay thành văn bản kỹ thuật số và phân loại văn bản vào khoảng 60 danh mục. Việc diễn giải tự động này giúp thông tin được chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng và việc định lượng cũng như phân tích nội dung của thông tin văn bản hiệu quả hơn, nghĩa là việc xác định và xử lý các trường hợp gian lận và tham nhũng tiềm ẩn được thực hiện nhanh hơn. 

AI đang mang lại cho các nước OECD nhiều cơ hội để duy trì tính liêm chính trong khu vực công một cách hiệu quả hơn và điều này sẽ ngày càng được thực hiện nhiều hơn trong thời gian tới. AI đã thay đổi căn bản cách các cơ quan công quyền trong đánh giá và quản lý rủi ro tham nhũng trong các tổ chức công. Tuy nhiên, các quốc gia cần xác định rõ những hạn chế và rủi ro liên quan đến việc sử dụng AI trong khu vực công. Những hạn chế đặc biệt phổ biến ở những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu cần thiết để AI hoạt động./.

Dương Nguyễn (Theo OECD)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra