Mức độ tiếp xúc với tham nhũng ở thanh niên
Thanh niên, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số ở nhiều quốc gia, dễ bị ảnh hưởng bởi những hình thức tham nhũng hàng ngày. Một số bằng chứng cho thấy rằng thanh niên thậm chí còn tiếp xúc với tham nhũng nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Ví dụ, khảo sát Global Corruption Barometer (GCB) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2019 cho thấy những người trong độ tuổi từ 18 đến 34 ở các quốc gia vùng Caribbean có khả năng đã từng hối lộ cao hơn gấp đôi so với những người từ 55 tuổi trở lên. Kết quả khảo sát GCB 2020 ở châu Á cũng cho thấy xu hướng tương tự, khi những người trẻ tuổi dễ dàng hơn trong việc sử dụng mối quan hệ cá nhân để nhận lợi ích.
Tại một số quốc gia, các cuộc khảo sát tập trung vào trải nghiệm tham nhũng của thanh niên đã được thực hiện. Ở Kenya, 46% thanh niên thừa nhận đã phải hối lộ quan chức chính phủ để nhận được các dịch vụ cần thiết như xin giấy tờ tùy thân, tìm kiếm những hỗ trợ y tế, hay đăng ký vào các trường đại học... Tương tự, một khảo sát tại Chile cho thấy 52,1% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi cho rằng tham nhũng gây ra những ảnh hướng đáng kể ảnh hưởng đến họ.
Vai trò của thanh niên trong phòng, chống tham nhũng
Thay vì chỉ nhìn nhận thanh niên như là nạn nhân của tham nhũng, họ cũng cần được coi là những người có khả năng đóng góp vào việc ngăn chặn tệ nạn này. Thanh niên có thể giúp đẩy lùi những tác động tiêu cực của tham nhũng đối với họ, và hơn thế, còn có thể tạo nên những thay đổi tích cực cho toàn xã hội. Ở những quốc gia có dân số trẻ đông đảo, sự tham gia của thanh niên có thể tạo ra những tác động lớn đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng.
Một trong những hình thức tham gia phổ biến nhất là việc thanh niên trở thành những nhà hoạt động xã hội. Các câu lạc bộ liêm chính và các phong trào thanh niên chống tham nhũng được thành lập độc lập để nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi. Tại Thái Lan, Mạng lưới thanh niên chống tham nhũng được thành lập vào năm 2012, ban đầu chỉ với 35 thành viên. Đến nay, mạng lưới này đã phát triển mạnh mẽ với hơn 4.000 thành viên, tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tham nhũng qua các chiến dịch trên mạng xã hội, hội thảo, và các hoạt động khác.
|
|
Fair Play 2024 kêu gọi các nhạc sĩ trẻ châu Âu chống tham nhũng thông qua âm nhạc. (Ảnh: anticorruptionmusic.org) |
Ngoài ra, nhiều thanh niên còn sáng tạo các phương tiện nghệ thuật để nâng cao nhận thức về tham nhũng. Ví dụ, phong trào toàn cầu Fair Play đã thu hút các nhạc sĩ trẻ sáng tác và trình diễn các video âm nhạc về tham nhũng trong cộng đồng của họ, với hàng triệu lượt xem trên toàn thế giới.
Thanh niên và những thay đổi chính trị
Thanh niên không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn góp phần vào những thay đổi chính trị. Tại Kyrgyzstan, những người trẻ tuổi đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối những cáo buộc gian lận bầu cử, tạo ra áp lực lớn đối với chính quyền. Tại Indonesia, các phong trào thanh niên đã đấu tranh mạnh mẽ chống lại Dự luật về Ủy ban Xóa bỏ Tham nhũng, mà nhiều người cho rằng sẽ làm suy giảm tự do dân chủ. Theo các chuyên gia, tham nhũng là một trong những vấn đề phổ biến nhất được thanh niên phản đối.
Tại Fiji, Youths for Integrity Fiji (Thanh niên vì sự liêm chính Fiji) đã thành công trong việc ngăn chặn một dự luật cho phép cảnh sát có nhiều quyền hạn điều tra, gây lo ngại về việc vi phạm quyền tự do cá nhân. Họ đã phát hành một thông cáo báo chí trên một số nền tảng truyền thông nổi tiếng nhất của Fiji. Quyết định của cựu thủ tướng Bainimarama sau đó rút lại dự luật được ghi nhận là nhờ vai trò của các hành động của xã hội dân sự như các hành động của Thanh niên vì sự liêm chính Fiji.
Giáo dục thanh niên về phòng, chống tham nhũng
Giáo dục về tham nhũng từ khi còn trẻ là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi này. Các nghiên cứu tại Nigeria và Ukraine cho thấy giáo dục về liêm chính có thể giúp giảm thiểu hành vi tham nhũng trong thanh niên. Ở Indonesia, một cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa số thanh niên không thể định nghĩa được từ "liêm chính" và nhiều người không thể nhận biết được một hành động có phải là tham nhũng hay không.
Giáo dục công dân về các khái niệm quản trị và tầm quan trọng của liêm chính có thể được tích hợp vào chương trình giảng dạy của trường học hoặc đại học. Ngoài ra, giáo dục chống tham nhũng cũng có thể được cung cấp trong các buổi ngoại khóa. Ở Việt Nam, Vườn ươm liêm chính – Vietnam Integrity School (VIS) là khoá học giáo dục về Liêm chính được khởi xướng bời Tổ chức Hướng Tới Minh bạch (TT). Được tổ chức lần đầu tiên năm 2017, hằng năm, VIS chào đón hàng trăm các bạn trẻ từ khắp các vùng miền trên cả nước tới cùng học tập, thực hành, và thúc đẩy giá trị liêm chính.
Sự tham gia của thanh niên vào cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc tăng cường nhận thức. Từ Kenya, Thái Lan, Fiji đến Kyrgyzstan và Indonesia, thanh niên đang chứng tỏ rằng họ không chỉ là nạn nhân của tham nhũng mà còn là những người tiên phong trong việc tạo ra sự thay đổi.