Nhận lời mời của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và Diễn đàn Liêm chính toàn cầu 2024 của OECD diễn ra tại Pari từ ngày 25 - 27/3/2024.
Đoàn công tác dự Hội nghị và Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin tích cực những tiến triển về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực lập pháp nhằm tăng cường tính liêm chính trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Đồng thời, nắm bắt thông tin và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế có giá trị tham khảo cho công tác PCTN và tăng cường liêm chính của Việt Nam. Qua đó, tăng cường hiểu biết và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD cũng như với các quốc gia khác trên thế giới tham dự Diễn đàn.
|
|
Diễn đàn Liêm chính toàn cầu 2024 diễn ra tại Pari trong hai ngày 26-27/3/2024. (Ảnh chụp màn hình - Minh Nguyệt) |
Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương” có 6 phiên, gồm: Xu hướng mới trong chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường khả năng chống chọi tham nhũng ở châu Á - Thái Bình Dương: Những thách thức và bài học kinh nghiệm; Tăng cường nỗ lực quốc gia và đa quốc gia để giải quyết rủi ro tham nhũng trong ứng phó tình huống khẩn cấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Thúc đẩy liêm chính kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Quản lý xung đột lợi ích và kê khai tài sản vì liêm chính công; Đối thoại với các đối tác phát triển quốc tế về liêm chính và chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn Liêm chính Toàn cầu 2024 gồm 12 phiên. Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Diễn đàn tập trung vào một số nội dung chính, như: Công bố Báo cáo của OECD về triển vọng trong PCTN và đảm bảo liêm chính; Trách nhiệm giải trình dựa trên sử dụng dữ liệu trong vận động hành lang và gây ảnh hưởng; Khích lệ khu vực tư với vai trò là đối tác trong cuộc chiến chống tham nhũng; Lộ trình cho Công ước Chống hối lộ của OECD…
Đoàn Thanh tra Chính phủ Việt Nam tham dự tất cả các phiên của Hội nghị và Diễn đàn. Đồng thời, tham gia thảo luận, chia sẻ thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong công tác PCTN nói chung và trong một số lĩnh vực cụ thể, như: Quản lý xung đột lợi ích, kê khai tài sản, thúc đẩy PCTN ở khu vực ngoài nhà nước…
Bên cạnh đó, tiếp thu kinh nghiệm, nắm bắt thông tin, xu hướng mới trong PCTN và thúc đẩy liêm chính ở khu vực; nội dung, tác động trên phạm vi toàn cầu của Công ước Chống hối lộ OECD, kế hoạch của OECD liên quan đến Công ước này trong thời gian tới./.