Tìm hiểu về cơ quan Thanh tra - Kiểm toán của Hàn Quốc

Thứ sáu, 30/08/2024 17:23
(ThanhtraVietNam) - Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc (BAI) là cơ quan công quyền có vị trí, chức năng và tổ chức được quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc. BAI được thành lập theo Hiến pháp, trực thuộc Tổng thống, độc lập về nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

1. Địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền:

Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc (BAI) được thành lập ngày 20/3/1963 theo Đạo luật về Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán năm 1963, là cơ quan công quyền có vị trí, chức năng và tổ chức được quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc. BAI được thành lập theo Hiến pháp, trực thuộc Tổng thống, độc lập về nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

leftcenterrightdel
Logo biểu tượng của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Hàn Quốc

- Bộ máy lãnh đạo của BAI là Uỷ ban TTKT, gồm 7 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch Uỷ ban do Tổng thống bổ nhiệm; trong Uỷ ban có một ủy viên thường trực và một số ủy viên kiêm nhiệm; Chủ tịch Uỷ ban có vị thế chính trị rất cao, chỉ đứng sau Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban TTKT BAI là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với các chính sách thanh tra, kiểm toán (TTKT), kế hoạch TTKT, kết luận cuối cùng về kết quả TTKT của BAI.

- Bộ máy hành chính giúp việc cho Uỷ ban đứng đầu là Tổng thư ký, các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu, Viện đào tạo TTKT.

- BAI gồm: Chủ tịch BAI, 01 Tổng thư ký, 02 Phó Tổng thư ký; 02 Giám đốc (Thanh tra công chức và TTKT quốc dân); 02 viện; 15 cục, 03 vụ, 02 bộ phận; 85 phòng ban).

- Công chức của BAI chia từ bậc 1 đến bậc 7. Tổng số công chức, nhân viên của BAI năm 2024 là 1.128 người.

2. Chức năng và nhiệm vụ của BAI:

- BAI là cơ quan trực thuộc Tổng thống nhưng có quyền hạn độc lập, kết luận TTKT của BAI được thông qua và quyết định tập thể bởi Uỷ ban TTKT và có hiệu lực thi hành. BAI có quyền quyết định xử lý bồi thường đối với công chức, nhân viên hành chính.

- Kiểm toán kế toán, điều tra, phân tích nghiệp vụ kế toán tài khoản của các cơ quan trung ương, chính quyền cấp tỉnh và địa phương, các tổ chức có đầu tư của Nhà nước để đảm bảo việc chi tiêu ngân sách đúng pháp luật;

- Thanh tra việc thu chi ngân sách, quyết toán thu chi thuế của quốc gia, cơ quan công và báo cáo kết quả trình lên Tổng thống và Quốc hội;

- Thanh tra việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan và công chức nhà nước để cải tiến hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan này;

- Giám sát nghiệp vụ, xử lý kết quả thanh tra và kiểm toán và đề nghị người đứng đầu của cơ quan liên quan xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm và có biện pháp khắc phục; yêu cầu cơ quan công tố tiến hành thủ tục truy tố khi có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán;

- Nghiên cứu, phân tích những chương trình, dự án lớn của Chính phủ để từ đó đưa ra những khuyến nghị về cải cách hoạt động;

- Giải quyết dân nguyện, yêu cầu thanh tra, yêu cầu thẩm tra;

- Thực hiện TTKT theo yêu cầu của Quốc hội và yêu cầu của người dân (khi có 300 người dân yêu cầu trở lên).

BAI chỉ có quyền kiến nghị xử lý kỷ luật đối với công chức, nhân viên hành chính vi phạm và không có quyền điều tra tội phạm mà chỉ kiến nghị cơ quan công tố tiến hành thủ tục truy tố khi có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán.

leftcenterrightdel

Đoàn cán bộ của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước học tập nâng cao năng lực Thanh tra, Kiểm toán nhà nước tại Hàn Quốc năm 2024

3. Về hoạt động TTKT của BAI:

3.1. Hoạt động TTKT

- Hoạt động thanh tra của BAI được tiến hành đồng thời với hoạt động kiểm toán. Các cuộc TTKT được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội (nghị sĩ) và người dân (dân nguyện). Thanh tra theo đề nghị của người dân được thực hiện trên cơ sở tập hợp thành nhóm người đề nghị (ít nhất 300 người) và được xem xét thông qua bởi Ủy ban tiếp nhận đề nghị gồm 03 công chức của BAI và các chuyên gia, luật sư bên ngoài (Chủ tịch Ủy ban là người bên ngoài BAI), những vụ việc có liên quan đến bí mật nhà nước hoặc đã có phán xét của Tòa án hoặc chỉ liên quan đến cá nhân thì sẽ không tiến hành thanh tra.

- Việc xây dựng kế hoạch TTKT thông qua các bước thu thập thông tin, khảo sát, phân tích tài liệu, dự kiến phương thức tiến hành và soạn thảo kế hoạch TTKT. Các thông tin tài liệu phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra là những thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động của đối tượng thanh tra do các nhân viên của BAI thu thập, đệ trình; người dân cũng có thể cung cấp thông tin bằng cách trình bày yêu cầu thanh tra hoặc khiếu nại, tố cáo lên BAI. BAI sử dụng hệ thống phân tích tài liệu TTKT (BARON) để thu thập, phân tích dữ liệu theo từng lĩnh vực và mức độ thông tin đối với từng cơ quan.

- Hoạt động TTKT của Hàn Quốc hướng vào 03 mục tiêu: (i) Đảm bảo tài chính quốc gia lành mạnh; (ii) Đảm đảm an sinh xã hội; (iii) Tăng cường kỷ cương, công vụ của đội ngũ công chức. Hoạt động TTKT có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với nguồn nhân lực và ngân sách của BAI. Hoạt động TTKT nhằm phát hiện xử lý sai phạm đồng thời gắn với mục tiêu hoàn thiện cơ chế chính sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của cơ quan công quyền. Tăng cường sự tham gia của xã hội, khuyến khích người dân cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động TTKT.

- Các bước tiến hành một cuộc TTKT của BAI khá tương đồng với các bước tiến hành cuộc thanh tra của cơ quan Thanh tra Nhà nước Việt Nam; gồm các bước: lập kế hoạch TTKT; thực hiện TTKT hiện trường; báo cáo kết quả TTKT; ban hành, công khai kết luận TTKT và cuối cùng là quản lý thực hiện kết quả sau TTKT.

- Hình thức xử lý trong TTKT của BAI bao gồm: Bồi thường thiệt hại; yêu cầu kỷ luật (sa thải, miễn chức, giáng chức, đình chỉ…); yêu cầu khôi phục, khuyến cáo, cảnh báo; yêu cầu cải thiện (chuyển vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng). BAI không có quyền điều tra, cưỡng chế, bắt giữ, tịch thu, truy xét, giam giữ (giống các cơ quan Thanh tra Nhà nước của Việt Nam). Trong trường hợp lo ngại về việc mất, xóa chứng cứ thì thực hiện nghiệp vụ yêu cầu sự hợp tác từ cơ quan tư pháp tiến hành điều tra nhanh.

3.2. Quản lý chất lượng TTKT và thực hiện kết luận TTKT

- Việc quản lý chất lượng TTKT của BAI hết sức chặt chẽ và ở tất cả các giai đoạn trong hoạt động TTKT: Từ lập kế hoạch (Kế hoạch TTKT lĩnh vực trọng điểm rủi ro cao, kế hoạch TTKT hàng năm và kế hoạch TTKT cá biệt); xây dựng kế hoạch cho một cuộc TTKT cụ thể; trong quá trình tiến hành TTKT trên thực tế và cuối cùng là quản lý chất lượng của báo cáo TTKT trước khi có ý kiến chính thức của Hội đồng Uỷ ban TTKT BAI.

- 6 tháng một lần, Vụ hỗ trợ TTKT thực hiện kiểm tra thực trạng việc thực hiện kết luận TTKT và yêu cầu thực hiện kết quả TTKT. Đối với các kết luận yêu cầu bồi thường thì trong vòng 3 tháng, người bị kết luận bồi thường phải hoàn trả số tiền theo kết luận; đối với yêu cầu kỷ luật thì trong vòng 1 tháng Uỷ ban kỷ luật phải có quyết định kỷ luật; đối với yêu cầu sửa chữa thì trong vòng 2 tháng phải thực hiện việc sửa chữa đầy đủ theo kết luận TTKT. Đối với các hạng mục kết luận TTKT yêu cầu thực hiện mà chưa thực hiện thì BAI gửi văn bản yêu cầu thực hiện, nếu không có lý do chính đáng cho việc không thực hiện kết luận TTKT thì sẽ bị xử lý theo quy trình xử lý sau TTKT. Đối với các hạng mục không thể thực hiện theo kết luận TTKT thì BAI có quyền yêu cầu xử lý tái thẩm định.

Về cơ bản, việc quản lý thực hiện kết quả TTKT của BAI giống với hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Việt Nam./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra