Tổ chức và nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển

Thứ sáu, 04/08/2023 10:37
(ThanhtraVietNam) - Việc thành lập Thanh tra Quốc hội là một biện pháp quan trọng mà Quốc hội Thụy Điển sử dụng để xem xét việc quản lý, điều hành đất nước thông qua hoạt động giám sát việc áp dụng luật và các quy chế, quy định theo chỉ dẫn của Quốc hội.

Theo Hiến pháp của Thụy Điển, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Quốc hội ban hành các luật, xác định thuế khoá và quyết định việc sử dụng công quỹ, đồng thời, xem xét việc quản lý, điều hành của Chính phủ. Việc thành lập Thanh tra Quốc hội được xem là một biện pháp quan trọng mà Quốc hội Thụy Điển sử dụng để xem xét việc quản lý, điều hành đất nước thông qua hoạt động giám sát việc áp dụng luật và các quy chế, quy định theo chỉ dẫn của Quốc hội. 

Với việc quy định về thiết chế Thanh tra Quốc hội, Chương I của Hiến pháp Thụy Điển có quy định: Trong hoạt động, các cơ quan phải tôn trọng nguyên tắc bình đẳng của mọi cá nhân trước pháp luật và bảo đảm sự khách quan và công bằng. Khi công dân cảm thấy họ bị đối xử bất công bởi cơ quan quyền lực công, họ có thể khởi kiện tại Toà án cấp trên hoặc cơ quan hành chính cấp trên. Nhưng Hiến pháp cũng quy định, bất kỳ công dân nào cũng có quyền gửi đơn trực tiếp đến Thanh tra Quốc hội để khiếu nại những hành vi mà họ cho là đã xâm hại đến lợi ích hợp pháp của họ.

Tổ chức Thanh tra Quốc hội Thụy Điển

Điều 6 Chương 12 Hiến pháp Thụy Điển quy định, Quốc hội phải chọn một hoặc nhiều thanh tra viên Quốc hội. Luật về Quốc hội quy định có 4 thanh tra viên Quốc hội, gồm: Chánh Thanh tra và 3 thanh tra viên - các thanh tra viên Quốc hội được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm. Việc bầu cử này được Uỷ ban Hiến pháp chuẩn bị và trình ra cuộc họp toàn thể.

Hàng năm, Quốc hội xem xét việc thực thi nhiệm vụ của các thanh tra viên Quốc hội thông qua các báo cáo thường niên được trình lên Quốc hội. Uỷ ban Hiến pháp cũng có sự xem xét kỹ lưỡng về việc này. Theo đoạn 3, Điều 10, Chương 8 của Luật Quốc hội, Quốc hội có thể chấm dứt nhiệm kỳ của một thanh tra viên Quốc hội trước thời hạn, nếu người này bị Quốc hội bất tín nhiệm. Nếu một thanh tra viên bị bãi nhiệm, người này sẽ không thể tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình, Quốc hội phải bầu một thanh tra viên khác theo nhiệm kỳ 4 năm trong thời gian sớm nhất.

Việc giám sát của Thanh tra Quốc hội được chia thành 4 khu vực trách nhiệm, ứng với 4 thanh tra viên. Thanh tra Quốc hội có các trợ lý để giúp việc cho mình, bao gồm một Giám đốc hành chính, các Chi nhánh trưởng và các nhân viên hành chính khác theo quy định của Quốc hội. Chánh Thanh tra Quốc hội có thể sử dụng thêm các nhân viên khác, các chuyên gia hoặc cố vấn.

Chánh Thanh tra Quốc hội bổ nhiệm Giám đốc hành chính và Chi nhánh trưởng. Việc bổ nhiệm các nhân viên khác được Chánh Thanh tra Quốc hội uỷ nhiệm cho Giám đốc hành chính. Số nhân viên vào khoảng 50 người, trong đó có 30 người là Luật sư.

Ngoài Giám đốc hành chính và các Chi nhánh trưởng, Thanh tra Quốc hội còn sử dụng các nhân viên hành pháp để chuẩn bị cho cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại và các vụ việc khác. Chánh Thanh tra Quốc hội quyết định phạm vi trách nhiệm của các Trưởng phòng căn cứ trên khả năng và kinh nghiệm của họ. Mỗi thanh tra viên đứng đầu một Cục để giải quyết các công việc.

Chánh Thanh tra Quốc hội cũng có thể sử dụng một đơn vị hành chính và các nhân viên trực thuộc để thực thi nhiệm vụ của mình, nếu xét thấy hợp lý. Chánh Thanh tra Quốc hội ban hành các quy tắc và quy định làm việc của các trợ lý theo quy định của Luật về Thanh tra Quốc hội và sự điều hành của mình.

Những nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển

Những quy định liên quan đến chức năng của Thanh tra Quốc hội có thể tìm thấy ở Hiến pháp Thụy Điển, Luật về Quốc hội và Luật về Thanh tra Quốc hội. Các nguyên tắc cơ bản được ghi ở Điều 6 Chương 12 của Hiến pháp. Theo đó: “Quốc hội sẽ bầu một hoặc nhiều thanh tra viên Quốc hội để giám sát theo sự chỉ dẫn của Quốc hội sự thi hành pháp luật và các quy chế khác của các cơ quan nhà nước. Thanh tra Quốc hội có thể tiến hành các thủ tục pháp lý trong những trường hợp được sự chỉ dẫn cụ thể”. Luật về Thanh tra Quốc hội đã quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội mà Quốc hội cho là cần thiết. Trong đó có quy định cụ thể về các vấn đề tổ chức, khiếu nại, trình tự thủ tục và các vấn để hành chính khác. Điều 1 của Luật này quy định, các Thanh tra Quốc hội hoạt động theo Luật và chịu trách nhiệm trưóc pháp luật.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, nội dung của những quy định mang tính nguyên tắc này được xuất hiện từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện kể từ Hiến pháp năm 1809. Nội dung Điều 3 của Luật này cũng được quy định tại Điều 9 Chương 1 của Hiến pháp về tính khách quan và công bằng: Các Toà án, các cơ quan hành chính trung ương và các cơ quan khác cũng như các công chức, trong hoạt động của mình phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được đối xử khách quan và công bằng.

Khoản 2 Điều 3 Luật này có hướng dẫn Thanh tra Quốc hội bảo đảm cho các quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận, không bị xâm hại bởi hoạt động hành chính công. Các quyền đó cũng được quy định trong Chương 2 của Hiến pháp. Đó là sự đảm bảo cho mọi công dân. Ví dụ quyền tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tín ngưỡng. Ngoài ra, Hiến pháp cũng bao hàm các quy định về bảo vệ công dân khỏi sự tước đoạt quyền tự do và khỏi các sự xâm hại khác đến tính toàn vẹn cá nhân của họ.

Thanh tra Quốc hội giám sát đối tượng là các cơ quan nhà nước, chính quyền của các vùng tự trị, các địa phương. Toà án cũng được hiểu là một cơ quan nhà nước. Mọi nhân viên và quan chức thuộc các cơ quan này đều thuộc quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội. Riêng lực lượng quân đội, chỉ các sĩ quan có hàm từ trung uý mới chịu sự giám sát này.

Các đại biểu Quốc hội, các cơ quan khác nhau của Quốc hội, các ủy ban và thư ký Quốc hội không là đối tượng giám sát của Thanh tra Quốc hội.

Quyền hạn của Thanh tra viên

Thanh tra viên có thể khởi tố điều tra trong những trường hợp được quy định tại Luật về Thanh tra Quốc hội. Do vậy, vai trò của thanh tra viên cơ bản giống như của công tố viên, quyền hạn tối đa của thanh tra viên là khởi tố. Việc thực hiện chức năng này không có nghĩa là cho phép thanh tra viên can thiệp vào hoạt động bình thường của Toà án hoặc các cơ quan quyền lực khác và không có nghĩa là thanh tra viên được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Các thanh tra viên không được thay đổi các quyết định của Toà án hoặc của cơ quan quyền lực khác và không được chỉ thị cho Toà án hoặc các cơ quan quyền lực khác phải quyết định như thế nào trong các trường hợp cụ thể. Chức năng đó của Thanh tra Quốc hội được quy định dựa trên nguyên tắc mọi công chức chịu trách nhiệm về các quyết định của mình khi thực thi nhiệm vụ.

Điều 6 Chương 12 Hiến pháp Thụy Điển quy định rằng thanh tra viên có thể khởi tố trong các trường hợp quy định tại Điều 6 Luật về Thanh tra Quốc hội. Đoạn 2 của Điều 6 xác định quyền hạn của thanh tra viên trong việc công tố như sau: Thanh tra viên có thể khởi tố đối với một công chức, người mà bất chấp trách nhiệm của mình trước cơ quan, đã phạm một tội không phải là tội được xác định theo Luật về quyền tự do xuất bản (tội này do Chánh án Toà án tối cao khởi tố).

Nếu Thanh tra Quốc hội có lý do xác đáng cho việc cần phải cách chức hoặc đình chỉ điều hành một công chức bởi hành vi phạm tội hoặc trắng trợn, hoặc tái diễn nhiều lần thì họ có thể báo cáo cho cơ quan được giao quyền ra các quyết định về các biện pháp đó. Trong các trường hợp này, nếu thanh tra viên đã làm báo cáo trên không đồng ý với quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì có thể đưa ra Toà án để đề nghị thay đổi quyết định.

Để nhằm mục đích tăng cường pháp chế, nếu phát hiện những sai trái hoặc bất hợp lý nhưng chưa đến mức độ truy tố thì họ có thể trình bày trong quyết định của mình ý kiến của thanh tra viên về việc giải quyết chúng. thanh tra viên cũng có thể đưa ra các biện pháp cho các cơ quan khắc phục những yếu kém, cũng như điều hành các viên chức được tốt hơn. Thanh tra viên còn có thể báo cáo trước Chính phủ hoặc Quốc hội.

Theo Điều 4 của Luật về Thanh tra Quốc hội, một trong những mục tiêu của Thanh tra Quốc hội là khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật. Trong quá trình giám sát, nếu có lý do để thảo luận về việc thay đổi văn bản pháp luật hoặc chấn chỉnh các hoạt động khác của Nhà nước, Thanh tra Quốc hội có thể làm bản tường trình về vấn đề này gửi Quốc hội hoặc Chính phủ.

 

Nguồn: Vụ Hợp tác Quốc tế - Thanh tra Chính phủ

Ngọc Nhi
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra