Các hình thức tham nhũng phổ biến
Tham nhũng chính trị quy mô lớn
Tham nhũng được tìm thấy ở tất cả các cấp trong hầu hết các lĩnh vực của Chính phủ và một số tổ chức tư nhân. Tham nhũng quy mô lớn phổ biến đến mức nó ảnh hưởng đến năng lực hành động của Nhà nước và gây khó khăn cho việc cải cách.
Theo khảo sát của Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP), Bangladesh đạt 36/100 điểm trên Chỉ số Ngân sách Mở. IBP lưu ý rằng Bangladesh cung cấp cho công chúng thông tin ngân sách hạn chế, vì các quốc gia đạt điểm trên 60 trong bảng xếp hạng được coi là cung cấp đầy đủ thông tin ngân sách để cho phép công chúng tham gia vào các cuộc thảo luận ngân sách. Một số biện pháp chống tham nhũng cực đoan nhất ở nước này xuất hiện vào năm 2007- 2008, khi Chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn do Fakhruddin Ahmed đứng đầu phát động một chiến dịch đặc biệt diệt trừ tệ nạn tham nhũng. Chiến dịch này đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều chính trị gia nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của Bangladesh. Các vụ bắt giữ đã đi đến đỉnh điểm, bao gồm cả hai nhà lãnh đạo đảng Khaleda Zia (AL) và Sheikh Hasina (BNP), họ từng là thủ tướng vào nhiều thời điểm khác nhau cùng nhiều cựu quan chức nhà nước, chính khách và các nhà hoạt động chính trị, xã hội với các cáo buộc hối lộ, trốn thuế, tham ô và gian lận. Hiện tại, Khaleda Zia vẫn bị cầm tù vì tham ô 250.000 đô-la Mỹ dành cho một trại trẻ mồ côi, và phán quyết gần đây của tòa án đã tăng mức án từ 5 năm lên 10 năm. Trở ngại lớn nhất chống lại việc kiểm soát tham nhũng hiệu quả ở Bangladesh, như ở hầu hết các quốc gia khác nơi tham nhũng lan rộng, là cam kết chính trị vẫn chưa được thực thi, và các hành vi tham nhũng thường được che giấu và bỏ qua.
Tham nhũng vặt và bộ máy quan liêu
Các doanh nghiệp đặc biệt gặp phải tham nhũng khi tiếp cận các dịch vụ công. Họ thường phải chi một khoản hối lộ cho công chức nhà nước khi có các khoản thanh toán "để hoàn thành công việc”. Chế độ độc tài, gian lận, hối lộ và thanh toán bất thường trong quá trình thực hiện hợp đồng của Chính phủ được coi là cực kỳ phổ biến.
Có rất nhiều nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai ở Bangladesh. Vụ bê bối xây dựng điển hình nhất của Bangladesh là vụ sập một xưởng may 8 tầng vào tháng 4 năm 2013, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng. Có nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng Nhà máy, nhất là việc vi phạm quy tắc xây dựng. Vụ việc cho thấy sự thiếu quản lý, tham nhũng, hối lộ liên quan đến cấp phép, hoặc sự thông đồng giữa chủ sở hữu nhà máy và lực lượng thanh tra an toàn, cho phép các cơ sở duy trì hoạt động ngay cả khi nguy hiểm đã được xác định, gây bất lợi cho sức khỏe và an toàn của người lao động. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng để có được giấy phép thi công bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào, khoảng 10% -20% chi phí dự án sẽ được chi để hối lộ cho lãnh đạo đảng cầm quyền, 15% -20% cho thị trưởng, kỹ sư và 2% -3% cho các quan chức khác.
Tác động của tham nhũng đối với người nghèo
Tham nhũng ở Bangladesh cản trở việc phân bổ nguồn lực thích hợp, làm suy yếu các dịch vụ công cộng, giảm năng suất, làm trầm trọng thêm nghèo đói và tạo ra bất ổn xã hội. Người nghèo ở Bangladesh bị tước quyền tiếp cận bình đẳng với giáo dục và tìm kiếm việc làm. Sự nghèo khổ thường buộc mọi người phải chấp nhận điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn trong nhiều giờ, đặc biệt là phụ nữ. Họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc và có mức lương thấp hơn nam giới. Chi phí tham nhũng vặt được ước tính chiếm 4,8% chi tiêu của các hộ gia đình trung bình hàng năm. Quan trọng hơn, đối với các hộ gia đình có mức chi tiêu thấp nhất, tỷ lệ tổn thất cao hơn nhiều ở mức 5,5%, so với các hộ chi tiêu cao hơn ở mức 1,3%. Do đó, gánh nặng tham nhũng sẽ trở nên lớn hơn đối với người nghèo.
Công tác phòng, chống tham nhũng ở Bangladesh
Pháp luật trong nước
Bangladesh sẽ kỷ niệm 50 năm độc lập vào năm 2021. Trong bối cảnh đó, đất nước này đã đặt công tác phòng chống tham nhũng lên hàng đầu trong tất cả các chính sách sắp tới của họ. Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự và Luật Phòng chống rửa tiền có những quy định nghiêm khắc trừng trị những hành vi tham nhũng, tống tiền, hối lộ cán bộ công chức nước ngoài, rửa tiền và sử dụng các nguồn lực công cộng vì lợi ích cá nhân. Trong thập kỷ qua, một số luật khác đã được ban hành để nhằm phòng ngừa tham nhũng như: Quy tắc mua sắm công chống tham nhũng 2008, Luật Quản lý ngân sách và tài chính công 2009, Luật Ủy ban nhân quyền Quốc gia 2009 và Luật Phòng chống rửa tiền 2012,... Bên cạnh đó, Luật Quyền được thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, với nhiều quy định đơn giản hóa các khoản phí cần thiết để truy cập thông tin, trao quyền độc lập cao hơn cho Ủy ban Thông tin trong việc giám sát và thực thi luật pháp.
Một nỗ lực đáng chú ý đã được thực hiện để cải thiện tính liêm chính trong các cơ quan thực thi pháp luật của đất nước là Chương trình Cải cách Cảnh sát (PRP), được tài trợ bởi các đối tác phát triển quốc tế. Đây là một sáng kiến nâng cao năng lực toàn diện của lực lượng cảnh sát. Theo chương trình cải cách, lực lượng cảnh sát đã tăng gấp đôi số lượng nữ sĩ quan, thành lập 52.000 Diễn đàn Chính sách Cộng đồng và Trung tâm Hỗ trợ nạn nhân đầu tiên của đất nước.
Các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự
Các phương tiện truyền thông và báo chí điều tra đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa các cáo buộc tham nhũng ra ánh sáng. Truyền hình là phương tiện phổ biến nhất. Đài phát thanh Bangladesh và Truyền hình Bangladesh (BTV) - thuộc sở hữu Nhà nước và có mối quan hệ mật thiết với Chính phủ, trong đó BTV là mạng lưới duy nhất có phạm vi phủ sóng toàn quốc gia.
Xã hội dân sự ở bất kỳ quốc gia nào đều đóng vai trò then chốt trong các nỗ lực chống tham nhũng. Xã hội dân sự hoạt động như một cơ quan giám sát phơi bày các trường hợp tham nhũng và truyền bá nhận thức. Trong những năm qua, Bangladesh đã trở thành một chính thể sôi động cho sự tham gia của các tổ chức khác nhau trong mô hình phát triển và cấu trúc quản trị của mình, cũng như các nỗ lực chống tham nhũng. Một vài tổ chức phi Chính phủ đáng chú ý là:
Tổ chức Minh bạch Quốc tế Bangladesh (TIB): TIB là một tổ chức độc lập, phi Chính phủ, phi đảng phái và phi lợi nhuận chuyên về chống tham nhũng, nâng cao công tác quản lý, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong nước. Đây là một chương quốc gia của tổ chức phi Chính phủ chống tham nhũng toàn cầu, Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Bắt đầu từ năm 1996, và sau đó đạt được vị thế phi Chính phủ vào năm 1998, nhiệm vụ của nó là tăng cường một phong trào xã hội để thúc đẩy và phát triển các thể chế, luật pháp và thực tiễn chống tham nhũng ở Bangladesh và thiết lập một hệ thống quản trị, chính trị và kinh doanh hiệu quả, minh bạch.
SHUJAN - Công dân vì quản trị tốt: SHUJAN, tự nhận mình là một tổ chức phi đảng phái, được thành lập vào năm 2002 như một sáng kiến của một nhóm công dân có liên quan. Mục đích của họ là thúc đẩy dân chủ, phân cấp, cải cách bầu cử, chính trị và quản trị có trách nhiệm. Họ tìm cách trình bày "tiếng nói của người dân" cho Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức cung cấp dịch vụ. Đây là một phong trào tình nguyện, trong đó công dân đầu tư cả thời gian và tiền bạc để thực hiện công việc của mình. Trang web của họ có luật bầu cử, danh sách các đảng chính trị và tuyên ngôn của họ.
BRAC: là một tổ chức phát triển phi Chính phủ quốc tế có trụ sở tại Bangladesh cam kết phát triển xã hội ở 9 quốc gia châu Á và châu Phi. Đây cũng là tổ chức chống đói nghèo toàn cầu lớn nhất cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ pháp lý và nhân quyền. BRAC tham gia vào một số sáng kiến trách nhiệm xã hội ở cấp địa phương và có mặt ở tất cả 64 quận ở Bangladesh. Họ tìm cách hỗ trợ phụ nữ kiểm soát cuộc sống của họ cũng như đóng vai trò công dân tích cực trong lĩnh vực công cộng. Họ hoạt động để tăng cường các tổ chức dựa vào cộng đồng do phụ nữ lãnh đạo, thúc đẩy quản trị ủng hộ người nghèo, đáp ứng và có trách nhiệm thông qua cách tiếp cận phát triển do cộng đồng lãnh đạo và giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin. Các chương trình của BRAC giúp tăng cường quản trị tốt và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính.
Quỳnh Nhi
(Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre)