Trung tâm Điều phối chống tham nhũng quốc tế (IACCC): Công cụ hữu hiệu chống tham nhũng

Thứ hai, 21/03/2022 17:09
(ThanhtraVietNam) - Trung tâm Điều phối chống tham nhũng quốc tế (IACCC) tập hợp các quan chức thực thi pháp luật đến từ nhiều cơ quan trên khắp thế giới để giải quyết các cáo buộc về các vụ án tham nhũng lớn.

Tham nhũng lớn làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng, làm suy yếu hoạt động kinh doanh và đe dọa sự minh bạch của thị trường tài chính. Nó bao gồm các hành vi tham nhũng của những người có liên quan đến chính trị, liên quan đến khối lượng lớn tài sản và đe dọa sự ổn định chính trị và phát triển bền vững. Các hành vi của tham nhũng lớn bao gồm: Hối lộ công chức, tham ô, lạm dụng quyền lực và hành vi rửa tiền thu được từ tội phạm.

Trước những mối nguy hại của tham nhũng lớn, trong Hội nghị thượng đỉnh về chống tham nhũng năm 2016, Vương quốc Anh đã cam kết thành lập và đăng cai IACCC. IACCC được chính thức ra mắt vào tháng 7 năm 2017 và được đăng cai tổ chức bởi Cơ quan Tội phạm quốc gia tại London.

Nguồn vốn duy trì hoạt động cho IACCC được cung cấp bởi Quỹ Thịnh vượng của Chính phủ Vương quốc Anh. Các cơ quan thực thi pháp luật là thành viên của IACCC bao gồm: Cảnh sát liên bang Úc, Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng của New Zealand, Cảnh sát New Zealand, Cảnh sát Hoàng gia Canada, Cục Điều tra hành vi tham nhũng Singapore, Cơ quan Tội phạm quốc gia của Vương quốc Anh, Cục Điều tra liên bang Hoa Kỳ; Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS), Cơ quan Thực thi di trú và hải quan (ICE), Điều tra An ninh nội địa (HSI).

leftcenterrightdel
 

Theo Cơ quan Tội phạm quốc gia của Vương quốc Anh, trong năm 2018, IACCC đã cung cấp hỗ trợ tình báo quan trọng để tiến hành 09 cuộc điều tra tham nhũng lớn, 02 quan chức cấp cao trực tiếp bị bắt do hỗ trợ của IACCC. Cũng trong năm 2018, IACCC đã cung cấp thông tin về tham nhũng lớn cho các quốc gia chưa từng nhận được sự hỗ trợ thực thi pháp luật quốc tế trước đây. IACCC đã xác định và cung cấp thông tin về 227 tài khoản ngân hàng đáng ngờ được tìm thấy trong 15 khu vực pháp lý khác nhau và số tài sản đáng ngờ lên đến khoảng 51 triệu bảng Anh trên toàn thế giới. IACCC cũng đã hỗ trợ 03 quốc gia gửi thư chính thức yêu cầu bằng chứng về các vụ án tham nhũng lớn.

Kể từ năm 2019, các hoạt động của IACCC nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của Interpol. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ và Đức ngoài việc tham gia vào công tác xây dựng, thành lập IACCC, sẽ vẫn là quan sát viên, tham gia vào các cuộc họp của Ban quản trị IACCC khi cần thiết.

Vào ngày 30/7/2020, IACCC đã khởi động một Đề án thành viên liên kết mới. Điều này cho phép các cơ quan thực thi pháp luật đến từ nhiều quốc gia khác nhau tham gia IACCC với tư cách là Thành viên liên kết. 

Các thành viên liên kết có thể nhanh chóng trao đổi thông tin tình báo với IACCC để hỗ trợ việc thu thập thông tin về các vụ án tham nhũng lớn. Đồng thời, IACCC cũng giúp đỡ các đối tác trên toàn thế giới trong việc thực hiện các yêu cầu về Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau (MLA) giữa các khu vực pháp lý.

Các thành viên liên kết IACCC gồm: Ủy ban Chống tham nhũng Quần đảo Cayman, Đơn vị tình báo tài chính Gibraltar, Đơn vị tình báo tài chính Guernsey, Đơn vị tình báo tài chính Isle of Man, Đơn vị tình báo tài chính Jersey, Ủy ban độc lập chống tham nhũng Mauritius, Ủy ban chống tham nhũng Seychelles, Ủy ban liêm chính của quần đảo Turks và Caicos.

Có thể thấy, Đề án thành viên liên kết củng cố hơn nữa sự khẳng định: IACCC là sáng kiến quốc tế duy nhất cung cấp sự hỗ trợ cụ thể cho các cơ quan thực thi pháp luật về các vụ việc tham nhũng bên ngoài phạm vi quốc gia. Hy vọng rằng việc ra đời Đề án thành viên liên kết sẽ tiếp tục đem lại nhiều kết quả tích cực như đã đạt được kể từ khi IACCC đi vào hoạt động vào tháng 7/2017.

Dương Nguyễn

(Theo Cơ quan Tội phạm quốc gia Vương quốc Anh)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra