Ukraine tăng cường chống tham nhũng với việc trao thưởng cho người tố cáo

Thứ sáu, 01/11/2024 13:30
(ThanhtraVietNam) - Doanh nhân Yevhen Shevchenko nhận khoản tiền đầu tiên từ Chính phủ Ukraine vì đã tố cáo một vụ hối lộ. Đây là lần đầu tiên Ukraine trao tiền thưởng cho người tố cáo tham nhũng, một phần trong chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt tại quốc gia này.

Ông Shevchenko là một trong hai người đầu tiên được nhà nước Ukraine trả tiền vì vai trò giúp phơi bày hành vi tham nhũng của quan chức cấp cao. Số tiền thưởng này là thành quả của luật được ban hành từ năm 2019 nhưng mới được áp dụng gần đây, nhằm khuyến khích tố giác tham nhũng, một yếu tố thiết yếu để Ukraine đạt được mục tiêu gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).

Ngoài ra, một quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine nhận khoản tiền thưởng tương đương 40.500 USD vì đã báo cáo vụ hối lộ liên quan đến một cuộc kiểm toán vào năm 2021.

Các quan chức Ukraine kỳ vọng việc áp dụng hệ thống thưởng cho người tố cáo sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng của đất nước. Chiến dịch này đã đưa một số bộ trưởng và cựu cố vấn của tổng thống vào vòng điều tra.

leftcenterrightdel
 Các viên chức của Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine đứng cạnh những túi nilon đựng đầy tiền đô la Mỹ bị tịch thu ở Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Transparency International, Ukraine đã có bước tiến, đứng thứ 104 trong tổng số 180 quốc gia, với sự quyết tâm ngày càng lớn của người dân khi các nguồn lực của đất nước bị tổn thất nghiêm trọng vì cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn đề phổ biến ở Ukraine, đặc biệt ở các cấp cao. Việc trao thưởng này nhằm vào các vụ có giá trị lớn, với số tiền hối lộ hoặc thiệt hại cho nhà nước lên đến hơn 5.000 lần mức sinh hoạt tối thiểu hàng tháng (khoảng 73 USD). Những người tố cáo sẽ được hưởng 10% giá trị vụ án, với mức thưởng tối đa là 500.000 USD.

Anastasia Renkas, đại diện của Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine, nhận định rằng biện pháp này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho người tố cáo và gửi đi thông điệp cảnh báo tới các tổ chức nhà nước. Bà cho biết: “Khi mọi người biết rõ quyền lợi của mình, mọi tổ chức sẽ phải nhận thức rằng người dân có thể tận dụng những quyền đó.”

Tuần này, các nhà lập pháp cũng đã cập nhật quy định về các thỏa thuận nhận tội trong các vụ án tham nhũng, nhằm mở rộng phạm vi xử lý các đối tượng cấp cao.

“Công cụ thúc đẩy”

Các vụ tố cáo của Shevchenko và quan chức Bộ Quốc phòng đều đã được xử lý trong năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên ngân sách năm 2024 dành khoản tiền thưởng này. Shevchenko, một người từng làm việc như một nguồn tin cho cảnh sát chống tham nhũng của Ukraine, nhận được khoảng 320.000 USD và cho rằng đây là một công cụ “thúc đẩy” mạnh mẽ có thể khuyến khích nhiều người tố cáo hơn, đặc biệt là những người có thu nhập thấp nhưng tiếp xúc gần với các vụ tham nhũng lớn như tài xế hay nhân viên giúp việc.

Shevchenko chia sẻ: “Có rất nhiều người có thể giúp phát hiện tội phạm nhưng vì sợ hãi hoặc nhiều lý do khác, họ đã không lên tiếng.”

Cơ quan Phòng chống tham nhũng Quốc gia cũng đã triển khai một cổng thông tin trực tuyến, cho phép nhân viên công vụ báo cáo tham nhũng ẩn danh. Từ năm ngoái, đã có hơn 4.000 báo cáo được nộp, tuy nhiên chỉ có 47 trường hợp được xác định là có dấu hiệu vi phạm hình sự hoặc hành chính cụ thể.

Bà Renkas cũng thừa nhận rằng người dân Ukraine vẫn còn e ngại khi tố cáo do những rủi ro cá nhân, do đó cơ quan của bà đang nỗ lực tăng cường bảo vệ pháp lý cho những người tố cáo. Mục tiêu cuối cùng, theo bà, là thay đổi tư duy về tham nhũng ở Ukraine. “Kẻ xấu không phải là người tố cáo, mà là kẻ thực hiện hành vi phạm tội và áp đặt những quy tắc sai trái đó,” bà Renkas khẳng định.

Dương Nguyễn (Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra