Lợi ích kinh doanh mạnh mẽ và tư lợi, có khả năng thách thức việc lạm dụng quyền lực chính trị, cũng là phương tiện quan trọng để góp phần thiết lập các ràng buộc về việc sử dụng quyền lực nhà nước. Lấy Guyana làm ví dụ, các nhà nghiên cứu đề xuất một số cách mà các doanh nghiệp có thể đóng góp vào việc thay đổi hiện trạng, trong bối cảnh tham nhũng lớn và chia rẽ sắc tộc đang có những diễn biến phức tạp. Guyana là một quốc gia biên giới dầu khí mới đạt số điểm tương đối thấp trong Chỉ số nhận thức tham nhũng những năm gần đây. Đây cũng là một quốc gia bị chia rẽ về sắc tộc, nơi các doanh nghiệp có nhiều cơ sở chính trị dân tộc khác nhau.
Guyana là một quốc gia thuộc vùng Caribbean nằm ở bờ biển phía bắc của Nam Mỹ, và giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1966. Trước khi độc lập, đất nước được chia thành nhiều dân tộc khác nhau khi người Anh đưa những người lao động từ Ấn Độ, Trung Quốc, Madeira và các quốc gia khác để bổ sung và thay thế nô lệ lao động trước đây từ châu Phi. Các nhóm dân tộc này trở nên gắn liền với các ngành nghề khác nhau, và sống trong các cộng đồng riêng biệt. Sau khi độc lập, người châu Phi chiếm 33% dân số, Đông Ấn Độ 38%, chủng tộc hỗn hợp 12%, người bản địa 5%, và các nhóm khác chiếm 12% còn lại. Điều này đặt nền móng cho thành phần hiện tại của đất nước, vì quy mô tương đối của mỗi nhóm phần lớn vẫn giống nhau: Người Afro-Guyanese chiếm 29%, Indo-Guyanese 39%, các nhóm bản địa 10%, và các nhóm hỗn hợp 16%. Kể từ thời kỳ di cư hàng loạt từ Ấn Độ vào khoảng những năm 1830, hai nhóm lớn nhất (Afro-Guyanese và Indo-Guyanese) đã bị mắc kẹt trong cạnh tranh chính trị và kinh tế.
Guyana là một trường hợp đặc biệt, vì kết hợp tham nhũng và vấn đề đa sắc tộc. Các nhà lãnh đạo thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân của các nhóm dân tộc lớn. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp là người nhận chuyển khoản những khoản tiền lớn từ nhà nước sang khu vực tư nhân và bản thân các chủ thể nhà nước được hưởng lợi từ quá trình này thông qua các cơ chế hoàn vốn. “Hiệu ứng lấn át” của hệ thống này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp không thuộc vòng tròn nhỏ này. Phát hiện gần đây về một lượng lớn dầu ngoài biển ở Guyana có thể tăng khả năng chuyển giao tài sản từ nhà nước sang một nhóm dân tộc nhỏ. Như đã thấy ở các nước giàu dầu mỏ khác, điều này có thể làm tăng xung đột sắc tộc và xã hội khi các cổ phần kinh tế trong nước ngày càng cao hơn.
Ngày càng có nhiều tài liệu về vai trò của các doanh nghiệp trong việc chống tham nhũng trong cả khu vực tư và khu vực công. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng ở các tiểu bang có mức độ tham nhũng cao, các doanh nghiệp sẽ chọn cách hoạt động kinh doanh với lợi nhuận tức thì, trái ngược với việc thành lập các doanh nghiệp đòi hỏi đầu tư vốn lớn và lợi nhuận dài hạn. Do đó, ở các quốc gia này, các doanh nghiệp có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi tham nhũng.
Kết hợp những hiểu biết sâu sắc từ đánh giá tài liệu về các câu trả lời được đưa ra bởi các chủ doanh nghiệp trong một cuộc khảo sát nhỏ mà các nhà nghiên cứu đã tiến hành, họ quan sát thấy rằng sự thăng tiến cạnh tranh sẽ góp phần vào việc giảm thiểu tham nhũng trong một xã hội đa sắc tộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng “... Các nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả cần phải được điều chỉnh theo bối cảnh", nếu không có hiểu biết, các nỗ lực chống tham nhũng rất có khả năng không chỉ thất bại mà còn tạo ra kết quả ngược lại với những gì mong đợi.
Do đó, trong bối cảnh của Guyana, một chiến lược để các doanh nghiệp có thể góp phần trong công tác phòng chống tham nhũng là thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Bản chất đa sắc tộc và lợi ích kinh tế của loại doanh nghiệp này có những sự khác biệt nhất định so với những doanh nghiệp lớn. Ngày nay, nhóm doanh nghiệp này trong khu vực tư nhân đang mất dần đi do các doanh nghiệp lớn chi phối quá nhiều trong quá trình mua sắm công và xu hướng các quan chức cấp cao thông đồng với các doanh nghiệp lớn đang dần gia tăng. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy ở Guyana tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phi chính thức rất cao, một phần là do họ cố gắng trốn tránh nộp thuế. Tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phi chính thức cao cũng rất có thể là do một hệ thống lệch lạc trong việc phân phối hợp đồng và đặc quyền dựa trên chủ nghĩa thân hữu và đa sắc tộc. Nếu có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được chính thức hóa hơn, thì nhóm doanh nghiệp này có thể đưa ra một lộ trình thực tế mà thông qua tiếp cận hành động tập thể sẽ có thể hạn chế được tham nhũng. Ngoài ra, nếu hệ thống mua sắm công được gia tăng tính cạnh tranh, khả năng các doanh nghiệp nhỏ có thể cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp lớn sẽ tăng lên và tạo động lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tổ chức thành các hiệp hội chính thức. Các hiệp hội này cũng có thể vận động cụ thể cho việc giảm thiểu tham nhũng trong xã hội đa sắc tộc. Họ có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến hành động tập thể bằng cách thực thi các chuẩn mực xã hội và tổ chức nghiêm cấm tham nhũng.
Tuy nhiên, trong một môi trường kinh doanh khắc nghiệt, các hiệp hội vẫn sẽ khó đảm bảo rằng các thành viên của họ có thể tuân thủ các tiêu chuẩn này, vì các doanh nghiệp riêng lẻ có thể nhận thấy họ thu được nhiều hơn từ những hành vi hối lộ và tham nhũng. Ngay cả các tổ chức tài trợ lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới, cũng khó có thể đảm bảo được tham nhũng ở mức tối thiểu./.
Quỳnh Nhi