BiH đạt 35/100 điểm (0 là mức tham nhũng cao nhất và 100 là mức tham nhũng thấp nhất) trong Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2020 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp hạng 111 trong số 180 quốc gia. Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, công dân BiH coi đất nước của họ là một trong những quốc gia có nền tham nhũng tồi tệ nhất ở châu Âu và Trung Á vì "nhận thức về tham nhũng giữa các thành viên quốc hội, tỷ lệ hối lộ cao và môi trường xã hội tiêu cực để tham gia vào các hành động chống tham nhũng". Bốn trong số năm người được hỏi trong cuộc khảo sát của GCB tin rằng chính phủ của họ đang làm rất tệ trong việc kiểm soát tham nhũng.
Quyền được đối xử bình đẳng đã được pháp luật BiH đảm bảo, nhưng trên thực tế lại không được duy trì đồng đều. Ví dụ, những người dân tộc thiểu số Roman bị phân biệt đối xử trên khắp đất nước. Người Bosniak và Croats trong RS gặp phải các rào cản khi tiếp cận các dịch vụ xã hội, và những người trở về Bosniak từ RS phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các hành vi quấy rối. Nhìn chung, tại BiH, những người chiếm thiểu số trong khu vực nơi họ cư trú phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nặng nề.
Sarajevo – thủ đô của Bosnia và Herzegovina (ảnh: Internet)
Theo luật Bosnia, các ứng cử viên chính trị được bầu dựa trên các yếu tố dân tộc và khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, những công dân không thuộc "các dân tộc cấu thành" Bosniak, Serb hoặc Croat bị cấm trở thành Tổng thống và làm thành viên của Hạ viện. Khoảng 400.000 người Bosnia (12% dân số) không được phép tranh cử tổng thống hoặc quốc hội vì tôn giáo, sắc tộc hoặc nơi họ sống. BiH được coi là quốc gia duy nhất trên thế giới gọi một bộ phận công dân của mình là "những người khác".
Bên cạnh đó, phân biệt giới tính đang lan rộng ở BiH, trong đó, bạo lực là hình thức phổ biến nhất. Trong một trường hợp tại BiH, một giáo viên nghệ thuật yêu cầu quan hệ tình dục với sinh viên của mình để đổi lấy tài liệu tham khảo học thuật và đe dọa sẽ không cho sinh viên này được nhận vào học tại học viện nếu từ chối yêu cầu. Sau đó, ông ta bị kết án 5 năm tù theo luật của BiH. Theo Hiệp hội Thẩm phán Phụ nữ Quốc tế (IAWJ), tình dục có "tác động tàn phá đối với phụ nữ và những nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác", với những tác động sâu rộng đến "bình đẳng giới, quản trị dân chủ, phát triển kinh tế và hòa bình và ổn định".
Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, nguy cơ tham nhũng gia tăng, trong đó ngành y tế bị ảnh hưởng nặng nề do sự gia tăng "nhu cầu trước mắt về vật tư y tế và việc đơn giản hóa các quy tắc mua sắm công, các cơ sở y tế và sự quá tải của nhân viên y tế". Bối cảnh này đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có và gây ra những vấn đề mới cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương ở BiH, điển hình là sự thiệt thòi của cộng đồng người Roma trong đại dịch. Cộng đồng này phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn khi gặp phải tham nhũng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Những nỗ lực hướng tới cải cách Hiến pháp để giải quyết phân biệt đối xử tại quốc gia này đã thất bại và bị đình trệ kể từ năm 2016.
Trước thực trạng trên, EU và Mỹ đã thúc đẩy quá trình cải cách BiH, điển hình là một loạt các dự án quản trị và chống tham nhũng. Cụ thể:
Thứ nhất, dự án của USAID: Hỗ trợ công dân BiH trong cuộc chiến chống tham nhũng đồng thời nhằm cải thiện sự tham gia của người dân trong việc chống tham nhũng và nâng cao uy tín của các tổ chức xã hội dân sự chống tham nhũng. Các hoạt động của chương trình hỗ trợ các địa phương thực hiện cải cách lập pháp trong các lĩnh vực chống tham nhũng, chẳng hạn như xung đột lợi ích, mua sắm công, bảo vệ người tố giác và lạm dụng các nguồn lực công trong các chiến dịch bầu cử. Cung cấp cho người tố giác sự bảo vệ pháp lý thông qua Trung tâm Tư vấn Pháp lý và Vận động (ALAC), mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế BiH quản lý. Cung cấp các khoản tài trợ nhỏ (tổng cộng 3 triệu USD) để hỗ trợ công dân "xây dựng một nền văn hóa nói không với tham nhũng và hối lộ". Điều này bao gồm các khoản tài trợ nhỏ cho các tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ bằng hiện vật cho từng công dân làm việc trên các sáng kiến do cộng đồng lãnh đạo để nâng cao nhận thức và chống tham nhũng.
Thứ hai, dự án của UNDP và FCDO: Tăng cường tính toàn vẹn và minh bạch công khai ở cấp tiểu quốc gia. Dự án hỗ trợ cải cách kinh tế và quản trị ở BiH nhằm mục đích chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các quyền tự do truyền thông, xã hội dân sự và thúc đẩy cải cách một cách tổng thể...
Thứ ba, một dự án đa phương liên quan đến Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh (FCDO) (nhà cung cấp quỹ) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) (người thực hiện), với mục đích tăng cường chính sách khu vực công, quản lý hành chính và hỗ trợ các tổ chức chống tham nhũng.
Thứ tư, được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Đức và thực hiện bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một dự án được xây dựng nhằm cải thiện các điều kiện quản trị dân chủ bằng cách cho phép công dân tham gia vào các biện pháp kiềm chế tham nhũng và đóng góp vào những cải tiến mang tính hệ thống tại năm quốc gia (Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia) với mục đích ủng hộ việc cải thiện hệ thống, bao gồm những thay đổi về pháp lý, hành chính và thể chế nhằm hạn chế tham nhũng, nâng cao năng lực và cam kết của các tổ chức ngăn chặn tham nhũng...
Quỳnh Nhi
(Theo https://knowledgehub.transparency.org/helpdesk/overview-of-corruption-in-bosnia-and-herzegovina-focus-on-patronage-systems-vulnerable-groups-and-contributions-of-international-actors-in-anti-corruption)