3 phương án để xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra

Thứ năm, 09/11/2023 15:52
(ThanhtraVietNam) - Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức Hội thảo đề tài tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn”.

Xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra theo 3 phương án

Vừa qua, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đã tổ chức Hội thảo để hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn”, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Ths. Phạm Thị Thu Hiền - Ban chủ nhiệm đề tài khoa học báo cáo tại Hội thảo.

Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, Chương 1: Một số vấn đề chung về xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra đã nêu ra đặc điểm; cơ sở, phương thức và các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động.

Chương 2: Thực trạng xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra, Ban chủ nhiệm đã khái quát được thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra qua các thời kỳ; nêu được thực trạng xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra.

Nội dung trong chương 2 ngoài những ưu điểm, đề tài nêu hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước như: thẩm quyền được xác định còn có điểm chưa tương thích với mục đích của hoạt động thanh tra, thiếu đồng bộ, bỏ trống đối tượng, chưa đáp ứng tinh thần của Chiến lược phát triển ngành thanh tra về chuyển mạnh sang giám sát, đánh giá hành chính; việc xác định thẩm quyền có chỗ còn chưa rõ ràng, chưa đúng với nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và có sự mâu thuẫn với các thẩm quyền khác đã được xác định; chưa đảm bảo được mức độ chủ động của cơ quan thanh tra nhà nước trong thực hiện thẩm quyển, phần nào làm giảm hiệu quả hoạt động thanh tra trong việc kiểm soát đối với quyền hành pháp.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi Hội thảo vừa được Viện CL&KHTT tổ chức. Ảnh: L.A

Còn có sự chồng chéo, trùng lặp trong thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước các cấp về phạm vi, đối tượng, chưa đảm bảo tối đa được yêu cầu hệ thống, thông suốt, khách quan trong hoạt động và chồng chéo thẩm quyền với cả cơ quan khác. Một số thẩm quyền thiếu sự ổn định, có sự lúng túng trong xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, phần nào gây xáo trộn cho hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực…

Trên cở sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước, đánh giá thực trạng quy định pháp lý xác định thẩm quyền và thực tiễn thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, Ban chủ nhiệm đã đề xuất quan điểm, phương án chính sách cho việc xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước.

Theo đó, Ban Chủ nhiệm trình bày việc xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra qua 3 phương án.

Thứ nhất là tách bạch giữa thanh tra hành chính và đánh giá chính sách, quy định rõ ràng thẩm quyền, đánh giá thực thi chính sách cho cơ quan Thanh tra Chính phủ (TTCP), tách bạch với thanh tra hành chính - thanh tra việc thực hiện pháp luật cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ 2, xác định rõ thẩm quyền thanh tra công vụ theo phương án giao nhiệm vụ thanh tra công vụ (việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn) ở phạm vi đối tượng là nhóm cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, người đứng đầu các đơn vị cấp tổng cục/cục/vụ và tương đương thuộc bộ cho các cơ quan thanh tra nhà nước; việc thực  hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm cán bộ, công chức còn lại (Trưởng các phòng, ban thuộc sở, thuộc UBND huyện, cán bộ, công chức còn lại mà không được pháp luật quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân với tư cách người đúng đầu, cấp phó người đúng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị) sẽ thuộc thẩm quyền kiểm tra của chủ thể khác.

Đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan thanh tra nhà nước

Để thực hiện các phương án trên, cần quy định rõ: TTCP có thẩm quyền quyền thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thanh tra bộ có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, của tổng cục trưởng/phó tổng cục trưởng, cục trưởng/ phó cục trưởng, vụ trưởng/phó vụ trưởng và tương đương; Thanh tra tỉnh có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc/phó giám đốc sở và tương đương, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện.

Đồng thời, để tạo ra sự đồng bộ trong kiểm soát toàn diện đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì cùng với việc chuyển đổi chức năng của cơ quan thanh tra nhà nước; xác định lại thẩm quyền của từng cơ quan thanh tra nhà nước, cần phải thành lập cơ quan khác hoặc giao nhiệm vụ cho chủ thể sẵn có nhất định để chuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm cán bộ, công chức còn lại sau khi trừ những vị trí quan trọng đã thuộc thẩm quyền thanh tra.

Thứ 3: loại bỏ một số thẩm quyền để tránh chồng chéo, một số thẩm quyền đang giao nhưng thực hiện thiếu khách quan, hiệu quả, đồng thời để thực hiện quan điểm các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tập trung thanh tra hành chính, công vụ, cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tập trung thanh tra chuyên ngành. Thanh tra bộ sẽ không “thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý của bộ trưởng”. Tương tự như vậy, thanh tra sở sẽ không “thanh tra hành chính đối với đơn vị thuộc sở”

leftcenterrightdel

ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: L.A

Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan thanh tra nhà nước như sau:

TTCP sẽ thanh tra việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thứ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, phó thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đánh giá thực thi chính sách.

Thanh tra bộ sẽ thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đúng đầu các cơ quan, đon vị trực thuộc bộ; thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vị quản lý nhà nước của bộ, trừ lĩnh vực được phân cấp cho Thanh tra Tổng cục, cục, cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.

Thanh tra tỉnh sẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện; thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Thanh tra sở sẽ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung nghiên cứu của đề tài, các ý kiến đồng thuận cho rằng đề tài tiếp cận đúng hướng, các nội dung tại các chương chi tiết, phần thực trạng đã đánh giá được những ưu điểm, và đưa ra được các hạn chế vướng mắc trong việc thực hiện thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước. Đồng thời, Đề tài cũng đã đưa ra được các giải pháp quyết liệt, các phương án để xác định thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra có cơ sở và khả thi….

Các đại biểu đề nghị, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiết chế lại phạm vi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến hoàn thiện đề tài để chuẩn bị hội nghị đánh giá cấp cơ sở./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra