Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ:

Bài 1: 72% phản ánh, kiến nghị bị Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời quá hạn

Thứ năm, 17/10/2024 06:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những tồn tại, hạn chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại Kết luận thanh tra số 361/KL-TTCP.

Hà Nội phát hiện 10.305 cá nhân vi phạm qua thanh tra chuyên ngành

Ngành Thanh tra tỉnh Thái Nguyên phát hiện 411 tổ chức, cá nhân có sai phạm

Bài 2: Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế tồn tại

Tiếp tục phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”

Bài 5: Chuyển cơ quan điều tra 3 dự án vi phạm đất đai tại Bình Dương

Thanh tra Chính phủ quán triệt không thi chứng chỉ ngoại ngữ kiểu Cambrigde International

Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra về thực hiện công vụ tại hai bộ và một tỉnh

Thiếu quyết liệt trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thanh tra Chính phủ kết luận, trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ đạo thiếu quyết liệt trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như kế hoạch của Bộ. Do đó, 41,1% kết quả thực hiện bị chậm và quá hạn.

Đồng thời, Bộ chậm ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); chưa đánh giá được sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp các chi phí tuân thủ TTHC, là nguyên nhân gây nên sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật, phát sinh các TTHC không cần thiết, phức tạp, rườm rà, khó thực hiện…; chậm ban hành công bố Danh mục TTHC đối với một số lĩnh vực, chiếm 23%.

leftcenterrightdel
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: ITN) 

Đặc biệt, Bộ TN&MT chưa thực hiện thanh tra chuyên đề về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong cải cách hành chính, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Bộ bố trí thường xuyên 3 công chức làm việc tại Văn phòng Một cửa để tiếp nhận, rà soát, thống kê, báo cáo tình hình và kết quả giải quyết TTHC là không phù hợp quy định.

Đáng chú ý, việc trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp bị quá hạn cao, chiếm tỷ lệ 72%. Vì vậy, chưa kịp thời nắm bắt được những bất cập về cơ chế, chính sách, trách nhiệm, thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công…

“Bộ TN&MT không thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề trách nhiệm công chức trong giải quyết TTHC, dẫn đến việc số hóa hồ sơ TTHC chỉ đạt 30%; việc tiếp nhận hồ sơ TTHC trực tuyến thấp, đạt 35,1%; việc giải quyết TTHC bị quá hạn cao, chiếm 7,15%”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Việc trả lời phản ánh, kiến nghị bị quá hạn cao

Bên cạnh đó, tại một số lĩnh vực phát sinh nhiều TTHC của người dân và doanh nghiệp, như: Môi trường, khoáng sản, biển và hải đảo, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ, việc giải quyết TTHC đều có những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.

Cụ thể, việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị còn chậm, bị quá hạn cao (lĩnh vực môi trường trả lời quá hạn chiếm 28%; lĩnh vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 55%; lĩnh vực biển và hải đảo, chiếm 75%...); việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến đạt kết quả thấp (lĩnh vực môi trường, đạt 3,8%; lĩnh vực khoáng sản, biển và hải đảo đạt 0%...); chưa kịp thời điều chỉnh, cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện, thành phần hồ sơ và trình tự thực hiện.

Mặt khác, Bộ TN&MT thực hiện tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn chậm: Năm 2021 đạt tỷ lệ 43,51%/yêu cầu 50% và năm 2022 đạt tỷ lệ 50,5%/yêu cầu là 70%. Đối với TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022, 2023, đạt tỷ lệ 5,41%. Bộ chưa triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với một số TTHC lĩnh vực môi trường.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra sáng ngày 16/10/2024. (Ảnh: M.Nguyệt) 

“Từ các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên, dẫn đến Bộ TN&MT thực hiện giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến ở mức độ thấp, người dân và doanh nghiệp còn mất thời gian đi lại, gặp trực tiếp cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC và mất thời gian chờ đợi do giải quyết TTHC chậm, quá hạn… Trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT, các đơn vị thuộc bộ liên quan”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, cấp có thẩm quyền sửa đổi, xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật, nghị định.

Bộ TN&MT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra tại Kết luận thanh tra. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành các văn bản QPPL; chậm thực hiện số hóa, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử; chậm trả lời các phản ánh, kiến nghị và chậm trễ trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp…

Ngoài ra, Bộ phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Minh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra