Tham nhũng chính sách nhìn từ KLTT Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh:

Bài 3: Cần phải loại bỏ tham nhũng chính sách

Thứ sáu, 20/09/2024 09:37
(ThanhtraVietNam) - Việc Bộ Công Thương tham mưu ban hành văn bản trái với Nghị quyết của Chính phủ, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1.400 tỷ đồng trong 2,5 năm là hiện tượng tham nhũng chính sách cần phải loại bỏ.

Bài 1: Vẫn còn “nút thắt” trong phát triển năng lượng tái tạo

Bài 2: Bộ Công Thương tham mưu hàng loạt chính sách trái quy định

Kỳ 1: Bất cập Quy hoạch chung thị trấn Mộ Đức và Quy hoạch chung đô thị mới Thạch Trụ

Kỳ 2: Thiếu sót trong quy trình điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới

Chuyển hồ sơ vụ việc giao đất không đúng thẩm quyền ở thị xã Quế Võ sang cơ quan công an

Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai

Bộ Công Thương có dấu hiệu “tham nhũng chính sách” như thế nào?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Trong cuốn “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước” (Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015) của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu: “Từ quy định này có thể hiểu: Tham nhũng chính sách là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình xây dựng pháp luật để mang lại lợi ích không chính đáng cho cơ quan, tổ chức, địa phương, ngành nghề hoặc công tác quản lý Nhà nước”.

Trở lại với câu chuyện Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành hàng loạt các nội dung tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg trái với Nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy, đây rõ ràng là hiện tượng tham nhũng chính sách cần phải phòng trừ và loại bỏ.

leftcenterrightdel
Bộ Công Thương tham mưu ban hành văn bản trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh: Hoàng Minh) 

Cụ thể, Bộ Công Thương đã “cố tình phớt lờ” “bỏ qua” các quy định về áp dụng giá FIT đối với các dự án điện mặt trời mái nhà.

Dẫn đến làm tăng chi chí mua điện, giảm lợi nhuận của EVN, gây hậu quả nghiêm trọng là làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong 2,5 năm áp dụng.

Đáng nói, số tiền thất thoát nêu trên cũng chính là số tiền mà 14 dự án điện mặt trời được áp dụng giá FIT trái quy định được hưởng lợi.

Như vậy, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền của mình, Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành hàng loạt chính sách trái quy định để mang lại lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp là chủ của 14 dự án nêu trên.

Từ những sai phạm được chỉ ra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển các vụ việc nêu trên đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hậu quả nghiêm trọng

Không chỉ gây thiệt hại về tiền, tài sản cho Nhà nước, việc tham mưu ban hành chính sách trái quy định về áp dụng giá FIT cho các dự án điện mặt trời của Bộ Công Thương còn để lại những hậu quả nghiêm trọng trong việc xử lý sau thanh tra.

Cùng với việc chuyển cơ quan điều tra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương gửi văn bản yêu cầu EVN rà soát, cung cấp số liệu, thông tin, đề xuất giải pháp xử lý với 14 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá 9,35 Uscent/kWh không đúng đối tượng.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện, làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

leftcenterrightdel
14 Dự án điện mặt trời được hưởng giá FIT trái Nghị quyết của Chính phủ. (Ảnh: Trung Nam Group) 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay nhiều dự án điện mặt trời do địa phương đề xuất nhưng chưa được cập nhật vào Kế hoạch là do thuộc danh sách 154 dự án điện mặt trời được nêu trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ và chuyển sang cơ quan điều tra. Vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các dự án sẽ được thực hiện sau khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ lưu ý các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với bộ quản lý chuyên ngành để điều chỉnh, khắc phục xong những vấn đề được chỉ ra trong Kết luận thanh tra.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo về Quy hoạch điện VIII, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII những dự án nguồn điện không sai phạm, hoặc đã hoàn thành việc khắc phục những vi phạm, sai phạm.

Đặc biệt, liên quan đến 154 dự án điện mặt trời nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, cơ quan điều tra để rà soát, phân nhóm, giải trình, làm rõ và sớm tháo gỡ.

Từ phân tích trên có thể thấy rằng, tham nhũng chính sách là một dạng tham nhũng vô cùng nguy hiểm, cần có biện pháp phòng ngừa và loại bỏ nhằm tránh để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra