Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ:

Chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra

Thứ tư, 20/03/2024 14:19
(ThanhtraVietNam) - Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả trong công tác thanh tra và xử lý trách nhiệm các vi phạm trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Chất lượng và tiến độ các cuộc thanh tra đã có nhiều chuyển biến tích cực

Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 122/NQ-BCSĐ về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả trong công tác thanh tra và xử lý trách nhiệm các vi phạm trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Theo Nghị quyết, trong thời gian vừa qua, thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ; nhất là Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã từng bước đi vào nề nếp và triển khai thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Do vậy, chất lượng và tiến độ các cuộc thanh tra ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn, Thành viên đoàn thanh tra từng bước được nâng lên; các quy định trong hoạt động thanh tra cơ bản được thực hiện nghiêm túc... qua đó, đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Tuy nhiên, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, tiến độ và chất lượng một số cuộc thanh tra còn tồn tại, hạn chế, chưa khắc phục triệt để các vi phạm cố hữu từ lâu theo tinh thần Nghị quyết của Ban cán sự đảng và Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ.

leftcenterrightdel
Thay mặt Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 122/NQ-BCSĐ. Ảnh: L.A

Tình trạng Trưởng đoàn thanh tra có vi phạm gây ảnh hưởng đến chậm báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; nhất là đối với Trưởng đoàn thanh tra đã có Thông báo thời gian nghỉ hưu mà vẫn chưa hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra, không bàn giao hồ sơ, tài liệu thanh tra theo quy định. Thực tế những năm trước đây tình trạng này đã xảy ở Thanh tra Chính phủ gây rất nhiều hệ lụy phức tạp, để lại khó khăn, khó khắc phục cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Trưởng đoàn thanh tra được quyết định thay thế

Mặt khác, có một số đoàn thanh tra trong quá trình báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra có nội dung khi cơ bản đã được Người ra Quyết định thanh tra, đơn vị thẩm định và các chủ thể có liên quan đều thống nhất nhưng có cá nhân, thậm chí là Trưởng đoàn thanh tra không tiếp thu ý kiến có căn cứ quy định pháp luật, mà cố tình giữ quan điểm cá nhân, bảo thủ, không có căn cứ quy định pháp luật dẫn đến làm chậm tiến độ ban hành Kết luận thanh tra và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh tra.

Nghị quyết 122 nhấn mạnh, để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý trách nhiệm các vi phạm trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra.

Các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị, cấp ủy các chi, đảng bộ trực thuộc có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị; Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Ban Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị, cấp ủy các chi, đảng bộ trực thuộc có trách nhiệm bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 45- NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022, Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 của Ban cán sự đảng, Nghị quyết số 38-NQ/ĐU.23 ngày 29/9/2022 của Đảng ủy Thanh tra Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra; Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra.

Tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung

Nghị quyết yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra; đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra. Xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra; phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với những vi phạm; đồng thời phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong công tác thanh tra.

Việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên phải gắn liền với việc đánh giá nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra: từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc thanh tra theo quy định pháp luật; đặc biệt là trong quá trình thanh tra không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên không được làm; tuyệt đối không được thanh tra vượt phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ lọt, bỏ sót nội dung thanh tra trong Kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt; nghiêm cấm việc nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra; góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật theo quy định để xây dựng hình ảnh đẹp và nâng cao uy tín, vị thế của đội ngũ cán bộ Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra...

Cùng với đó, tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong tỉnh hình mới và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật và quán triệt tinh thần cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Một mặt, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra; Thủ trưởng đơn vị giám sát, thẩm định; người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra... để tham mưu người ra quyết định thanh tra ban hành Kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thi chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chở ban hành Kết luận thanh tra.

Mặt khác, thực hiện nghiêm việc tổng kết, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Trưởng đoàn thanh tra, Thành viên Đoàn thanh tra (Phó Trưởng đoàn thanh tra nếu có) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra