Chiều 6/12, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ Y tế trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (CCDVC) cho người dân và doanh nghiệp.
Hàng loạt vi phạm trong xây dựng thể chế và quản lý hành chính
Thanh tra Chính phủ xác định Bộ Y tế còn nhiều hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, kiểm soát và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến TTHC. Một số văn bản được ban hành không đúng quy định pháp luật, trong khi công tác đánh giá tác động và thẩm định quy định TTHC ở các dự thảo thông tư chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Bộ cũng chậm trễ trong việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp TTHC. Việc ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu nhằm giải quyết TTHC trên môi trường điện tử còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Bộ phận một cửa tại Bộ Y tế chưa đạt yêu cầu, thể hiện qua các bất cập trong quản lý và công bố công khai TTHC.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy trình nội bộ giải quyết đối với 228 TTHC thuộc thẩm quyền.
|
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp thu nội dung kết luận thanh tra và cho biết sẽ tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. |
Hồ sơ chậm trễ, hướng dẫn sai thẩm quyền gây phiền hà cho doanh nghiệp
Kết luận thanh tra cho thấy, trong 20 TTHC được kiểm tra, Bộ Y tế báo cáo kết quả giải quyết không phản ánh đúng thực tế. Số liệu thiếu chính xác, với nhiều hồ sơ quá hạn nghiêm trọng – bình quân trên 400 ngày, thậm chí kéo dài từ 2-4 năm, trong khi quy định chỉ là 3 ngày làm việc. Dù vậy, cơ quan giải quyết TTHC không thực hiện việc xin lỗi người dân.
Nhiều trường hợp, Bộ Y tế yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định, gây phiền hà và làm kéo dài thời gian giải quyết. Kiểm tra tại 5 đơn vị thuộc Bộ cho thấy tình trạng này diễn ra phổ biến, dẫn tới việc doanh nghiệp phải giải trình nhiều lần.
Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ thẩm định sai thẩm quyền, từ chối hoặc trả hồ sơ không đúng quy định cũng là những vi phạm nghiêm trọng. Một số hồ sơ không đáp ứng yêu cầu hoặc điều kiện pháp lý nhưng vẫn được giải quyết.
Quản lý giá thuốc thiếu chặt chẽ, dễ phát sinh tiêu cực
Công tác giải quyết TTHC liên quan đến kê khai giá thuốc cũng bộc lộ nhiều sai sót. Bộ Y tế chưa thực hiện đúng cơ chế hậu kiểm, chưa thu thập đầy đủ thông tin giá thuốc tại các nước ASEAN để làm căn cứ rà soát. Việc so sánh giá thuốc kê khai cũng không đảm bảo cơ sở pháp lý, dẫn đến nguy cơ giá thuốc chưa được kiểm soát chặt chẽ, dễ phát sinh tiêu cực.
Thiếu trách nhiệm trong quản lý quảng cáo
Thanh tra cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý hồ sơ quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhiều hồ sơ thiếu, thừa hoặc không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc quảng cáo sai lệch nội dung đăng ký, gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc.
Công tác thẩm định chưa đầy đủ khiến các quảng cáo này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân và gây lãng phí trong xã hội.
Kiến nghị chấn chỉnh toàn diện
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật về trình tự thực hiện TTHC. Đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý triệt để những tồn tại nêu trên.
Bộ cần thu hồi các quyết định sai quy định, nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ, nghiêm cấm việc yêu cầu bổ sung hồ sơ ngoài quy định, và thực hiện việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi có chậm trễ.
Đặc biệt, cần đảm bảo quảng cáo trung thực, thẩm định chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tránh gây hiểu nhầm.
Có thể thấy, Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước tại Bộ Y tế, đặc biệt là trách nhiệm trong giải quyết TTHC và CCDVC. Những vi phạm này không chỉ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp mà còn làm suy giảm lòng tin vào hệ thống hành chính công.
Việc yêu cầu Bộ Y tế khắc phục và chấn chỉnh là cần thiết để đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong quản lý công. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường giám sát để tránh lặp lại các sai phạm tương tự, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và gần gũi với người dân./.