Chủ động tham mưu xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra

Thứ hai, 27/02/2023 18:41
(ThanhtraVietNam) - Bám sát theo định hướng, chương trình công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu về công tác quản lý nhà nước tại địa phương, những năm qua, ngành Thanh tra thành phố Cần Thơ đã luôn chủ động tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt Kế hoạch thanh tra hàng năm đúng theo quy định.

Chủ động tham mưu, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra còn phụ thuộc quá nhiều vào phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp (như Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở, UBND cấp quận, huyện), điều này làm mất đi tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với công tác thanh tra. Về vấn đề này, Thanh tra thành phố Cần Thơ cho biết, Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra. Các cơ quan thanh tra thuộc hệ thống hành pháp, được thành lập ở các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước. Các cơ quan thanh tra Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện, giúp thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật. Cơ quan thanh tra vừa chịu sự chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, vừa chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên.

Việc xây dựng kế hoạch thanh tra do các cơ quan thanh tra chủ động tham mưu, đề xuất trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên, yêu cầu về quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước… Do vậy, việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm có vai trò quan trọng trong hoạt động chung của ngành Thanh tra.

Mặc dù một số ý kiến cho rằng các cơ quan thanh tra phụ thuộc gần như toàn bộ vào thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra... đã ảnh hưởng đến sự chủ động, tính độc lập cần thiết trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, những năm qua, ngành Thanh tra thành phố Cần Thơ (cụ thể là Thanh tra thành phố Cần Thơ, Thanh tra Sở, ngành, quận, huyện) hàng năm đều bám sát theo định hướng, chương trình công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu về công tác quản lý nhà nước tại địa phương đã chủ động tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt Kế hoạch thanh tra hàng năm đúng theo quy định.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn Internet) 

Cụ thể, tại Thanh tra thành phố Cần Thơ hàng năm đều gửi dự thảo “Định hướng chương trình thanh tra” của ngành Thanh tra thành phố Cần Thơ đến các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện để đóng góp, cho ý kiến. Song song đó, hàng năm, Thanh tra thành phố Cần Thơ đều thành lập Tổ khảo sát xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác thanh tra, sau đó trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt Danh mục các cuộc thanh tra và đều được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chấp thuận.

Hầu hết Thanh tra Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ trước khi trình Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt Kế hoạch thanh tra hàng năm đều chủ động tham khảo ý kiến của Thanh tra thành phố Cần Thơ nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Riêng Thanh tra thành phố Cần Thơ đã phối hợp tốt với Kiểm toán Nhà nước khu vực V để rà soát các cuộc thanh tra, kiểm toán nên không bị trùng lắp giữa thanh tra và kiểm toán.

Về vai trò của cơ quan Thanh tra thành phố Cần Thơ trong xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra của các Sở, ngành, quận, huyện. hàng năm, Thanh tra các Sở, ngành, quận, huyện đa số đều có văn bản tham khảo hoặc trao đổi với Thanh tra thành phố Cần Thơ về Kế hoạch thanh tra năm của ngành và địa phương mình. Do đó, những năm qua, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hầu như chưa có trường hợp chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra giữa các Sở, ngành, quận, huyện và Thanh tra thành phố Cần Thơ.

Phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được các cơ quan thanh tra tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện Kết luận thanh tra. Qua công tác thanh tra, Ngành Thanh tra thành phố đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, tổng số tiền sai phạm về kinh tế được phát hiện qua công tác thanh tra hành chính là 10.765.465.371 đồng, kiến nghị thu hồi 7.383.839.529 đồng, đã thu hồi 4.548.127.289 đồng (số tiền còn lại chưa thu hồi do các Kết luận thanh tra vừa mới ban hành), kiến nghị xử lý khác 3.381.625.842 đồng, các cơ quan, đơn vị đã xử lý về hành chính đối với 76 tập thể và 306 cá nhân, chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan điều tra. Đồng thời, qua công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra của các năm trước chuyển sang, đã thu hồi số tiền 19.577.684.627 đồng.

Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kết luận thanh tra

Việc thực hiện kết luận thanh tra nhìn chung được các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc; các hành vi vi phạm của cá nhân, tập thể được kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đảm bảo tính răn đe và tuân thủ pháp luật. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại một số hạn chế nhất định như: Một số Kết luận thanh tra do số tiền thu hồi tương đối lớn, đơn vị gặp khó khăn về tài chính, nên việc khắc phục cần có thời gian để thực hiện; Kết luận thanh tra liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp thực hiện nên kéo dài thời gian thực hiện; một số Kết luận thanh tra do chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra nên đối tượng thanh tra đợi khi có kết luận điều tra mới thực hiện.

Để việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiêm túc và triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, cụ thể: Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 02 tháng 5 năm 2018 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Công văn số 1595/UBND-NC ngày 10 tháng 05 năm 2021 về việc chấn chỉnh thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra; Công văn số 1851/UBND-XDĐT ngày 25 tháng 5 năm 2021 về theo dõi, đôn đốc và thực hiện hoàn thành các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Thanh tra thành phố đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc và tiến hành kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra./.

Dương Nguyễn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra