Cà Mau:

Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm

Thứ hai, 04/07/2022 15:40
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng trên các mặt công tác.

 Cụ thể, về thanh tra hành chính, toàn ngành Thanh tra tiến hành 36 cuộc (triển khai trong kỳ 29 cuộc), giảm 1 cuộc so với cùng kỳ năm 2021; theo kế hoạch 29 cuộc, đột xuất 7 cuộc; đã ban hành kết luận 15 cuộc. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng… Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền gần 1.070 triệu đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước); kiến nghị xử lý hành chính 7 tổ chức, 15 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ 1 đối tượng.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng phát biểu kết luận hội nghị

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra các sở, ngành tiến hành 1.860 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.047 tổ chức, cá nhân (triển khai trong kỳ 1.857 cuộc). Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung về y tế, nông nghiệp phát triển nông thôn, giao thông… Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 726 tổ chức, cá nhân vi phạm; ban hành 277 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.920 triệu đồng.

Về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị tiến hành 4 cuộc, ban hành kết luận 2 cuộc; qua thanh tra, kiến nghị xử lý 1 cá nhân. Theo kế hoạch, các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng chủ yếu được tiến hành trong quý III năm 2022.

Về công tác tiếp công dân, tổng số lượt tiếp toàn tỉnh 1.115 lượt, số người được tiếp 1.071 (giảm 1.538 lượt và 1.741 người so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, tiếp thường xuyên 900 lượt, 963 người; Thủ trưởng tiếp và ủy quyền tiếp 215 lượt, 108 người (số đoàn đông người là 4 lượt, 3 đoàn 40 người, giảm 12 đoàn so với cùng kỳ năm 2021).

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, tổng số tiếp nhận 1.239 đơn (tiếp nhận trong kỳ 1.130 đơn), giảm 141 đơn so với cùng kỳ năm 2021. Số đơn đủ điều kiện xử lý 914 đơn; qua phân loại, xử lý có 415 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại 83 đơn, tố cáo 21 đơn, 311 đơn kiến nghị, phản ánh); đơn không thuộc thẩm quyền 499 (hướng dẫn 263, chuyển đơn 228, đôn đốc giải quyết 8).

leftcenterrightdel

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị 

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tổng số 83 đơn (tiếp nhận trong kỳ 68 đơn), so với cùng kỳ năm 2021 giảm 17 đơn. Đã giải quyết 50 đơn (đơn giải quyết bằng quyết định hành chính 46, đương sự rút 4 đơn).

Về kết quả giải quyết tố cáo, tổng số 21 đơn (tiếp nhận trong kỳ 12 đơn), giảm 5 đơn so với cùng kỳ năm 2021. Đã xử lý 16 đơn; trong đó, giải quyết 13 đơn (tố cáo lần đầu 12, tố cáo tiếp 1), rút toàn bộ nội dung tố cáo 1, đình chỉ giải quyết tố cáo 2.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra các cấp, các ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu với thủ trưởng cơ quan cùng cấp tổ chức thực hiện cơ bản có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, đơn vị như thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính… ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai 331 cuộc tuyên truyền các chính sách pháp luật, trong đó lồng ghép tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng với 8.201 lượt cán bộ, công chức và lượt người dân tham dự.

Tại Hội nghị, đại diện Chánh Thanh tra các sở, Chánh Thanh tra các huyện, thành phố Cà Mau và Trưởng các phòng nghiệp vụ, chuyên môn thuộc Thanh tra tỉnh đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ để cùng thảo luận, trao đổi, đồng thời tìm ra phương hướng giải quyết. Các nội dung đưa ra trao đổi hết sức sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần xây dựng cao đều đã được tháo gỡ trực tiếp tại Hội nghị.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chánh Thanh tra tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ công chức ngành Thanh tra đạt được, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, đối với công tác thanh tra, tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2022; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi được giao; thanh tra diện rộng khi có chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát, thẩm định để nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 bảo đảm trọng tâm, trọng điểm.

Đối với công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện các chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách hỗ trợ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… đến cán bộ, nhân dân để mọi người hiểu rõ và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Coi trọng ý kiến của dân, giải quyết kịp thời để dân an tâm lao động, sản xuất. Chú trọng công tác đối thoại; tăng cường củng cố, tổ chức hợp lý bộ máy tiếp công dân và đội ngũ công chức thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là cấp huyện và cấp xã.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tiếp tục thực hiện các quy định của đảng, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, của Tỉnh ủy và các chính sách pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2022. Đồng thời, thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh phối hợp Trường Cán bộ thanh tra tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật về PCTN và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Tiếp tục tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng theo quy định; biểu dương, khen thưởng gương điển hình tiên tiến; làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra thi đua, khen thưởng ở cơ quan, Cụm, Khối thi đua và sơ kết, tổng kết, bình xét thi đua, khen thưởng đạt chất lượng, hiệu quả./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra