Chưa đủ điều kiện tự chủ và mở đào tạo ngành học mới

Thứ năm, 25/04/2024 09:39
(ThanhtraVietNam) - Đó là những thiếu sót, vi phạm trong kết luận được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra liên quan đến đến việc mở và đào tạo ngành học mới khi chưa đủ điều kiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kết luận thanh tra số 11/KL-TTr, về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học, và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là cơ sở giáo dục đại học công lập, đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trường thực hiện tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tự chủ trong tổ chức, nhân sự và tự chủ trong tài chính, tài sản, trong những nội dung khác theo phân cấp của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời kỳ thanh tra, trường thực hiện mở ngành đào tạo theo quy trình mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học tại Quyết định số 622/QĐ-ĐHQG ngày 3/7/2017 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành quy định mở ngành đào tạo. Theo báo cáo giải trình của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã nhận các hướng dẫn, góp ý chi tiết từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để điều chỉnh, hoàn thiện đề án. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề án. Sau khi thông qua Hội đồng thẩm định, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện mở ngành đào tạo.

Theo đó, việc tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong thời kỳ thanh tra, nhà trường đã ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ đại học, 3 ngành trình độ thạc sĩ, 1 ngành trình độ tiến sĩ. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho phép mở 1 ngành trình độ thạc sĩ, 2 ngành trình độ tiến sĩ. Các ngành trường mở đều có nghị quyết của Hội đồng trường, có trong Kế hoạch chiến lược của nhà trường giai đoạn 2016 - 2020.

Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc tự chủ mở, bảo đảm các ngành đào tạo, kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm của nhà trường trong việc này.

Cụ thể, trong thời kỳ thanh tra (01/1/2021 đến 09/9/2022), trong khi nhà trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, điều 32 của Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17, Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học), trên cơ sở văn bản của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giao trường ban hành quyết định mở ngành đối với từng ngành cụ thể, Hiệu trưởng ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ đại học, 2 ngành trình độ thạc sĩ, 1 ngành trình độ tiến sĩ, có sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.

Thời điểm trường ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ, ngành Hàn Quốc học trình độ đại học của trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định.

Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót nêu trên thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách mở ngành và bộ phận tham mưu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh./.

leftcenterrightdel
 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM): Ảnh: HCMUSSH

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ các điều vi phạm của trường, điểm hình, trong thời kỳ thanh tra, từ ngày 9/9/2022 trở về trước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17, Điều 1 của Luật số 34/2018/QH14.

Trách nhiệm thuộc về Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn thanh tra kiến nghị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rà soát toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của hội đồng trường và trường, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới văn bản theo thẩm quyền thực hiện quản lý các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo của trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Báo cáo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về các ngành trường được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho phép mở bằng văn bản cá biệt từ ngày 9/9/2022 trở về trước, thời điểm trường không đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17, Điều 1 của Luật số 34/2018/QH14, đề xuất hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các ngành hiện đang ký hợp đồng giảng viên toàn thời gian.

Đối với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Rà soát và thực hiện đầy đủ quy định về tự chủ giáo dục đại học đối với cơ sở giáo dục đại học thành viên theo đúng quy định của Luật giáo dục đại học 2012, Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Hướng dẫn, chỉ đạo nhà trường xử lý đối với các ngành Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho phép nhà trường mở bằng văn bản cá biệt. Nhà trường ban hành quyết định mở ngành sử dụng dấu của trường trong thời kỳ thanh tra khi chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định pháp luật, giải quyết hậu quả (nếu có).

Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Vụ Giáo dục đại học: Hướng dẫn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nhà trường thực hiện tuyển sinh, đào tạo và tự chủ giáo dục đại học theo đúng quy định.

Chỉ đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để hướng dẫn nhà trường xử lý đối với các ngành Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho phép nhà trường mở bằng văn bản cá biệt. Nhà trường ban hành quyết định mở ngành sử dụng dấu của trường trong thời kỳ thanh tra khi chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định của pháp luật, giải quyết hậu quả (nếu có).

Đồng thời, đề nghị nhà trường cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của nhà trường để xảy ra những thiếu sót, vi phạm nêu trên theo đúng quy định của pháp luật./.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra