Chứng chỉ IELTS và Aptis: Cấp chứng chỉ khi chưa được phép - có phải là phổ biến?

Thứ hai, 13/05/2024 10:03
(ThanhtraVietNam) - Những tưởng với 56.230 chứng chỉ do IDP cấp trái phép là trường hợp duy nhất, thì mới đây với 90.481 chứng chỉ cũng đã được Hội đồng Anh cấp trái phép thì IDP đã có “người anh song sinh” - to hơn, lớn hơn, nhiều hơn.

Thêm một trường hợp cấp trái phép với số lượng chứng chỉ rất lớn

Những ngày qua, sau khi Kết luận thanh tra số 18/KL-TTr ngày 24/4/2024 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đươc công bố, dư luận dành nhiều sự quan tâm về 56.230 chứng chỉ tiếng Anh IELTS đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP (Việt Nam) cấp trong giai đoạn 01/01/2022 đến 16/11/2022 - mà theo Kết luận thanh tra, tất cả số chứng này đều được IDP cấp trái phép!

Những tưởng IDP sẽ là trường hợp “cô đơn”, “duy nhất”, thì dư luận lại được một phen thêm “sửng sốt” khi ngày 10/5/2024, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai Kết luận thanh tra 17/KL-TTr ngày 24/04/2024 về việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH British Council (Việt Nam).

Theo Kết luận này, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, Công ty đã liên kết tổ chức thi, cấp 45.679 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và 58.414 chứng chỉ tiếng Anh IELTS trên toàn quốc.

Với hơn 90 nghìn chứng chỉ tiếng Anh đã được cấp, chính xác là 90.481 chứng chỉ, “người anh song sinh” Công ty TNHH British Council (Việt Nam) đã gấp 1,6 lần “người em” Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP (Việt Nam)  - tương ứng với 34.251 chứng chỉ.

leftcenterrightdel
Chứng chỉ IELTS và Aptis: Cấp chứng chỉ khi chưa được phép - có phải là phổ biến? Ảnh: Internet 

Điểm chung của “2 người anh em” này là tổ chức thi và cấp chứng chỉ khi chưa được đơn vị chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép!

Được biết, lệ phí cho 1 lần thi chứng chỉ Aptis là 2 triệu đồng và chứng chỉ IETLS là 4,664 triệu đồng thì với số lượng lớn chứng chỉ đã được cấp trái phép, 2 đơn vị này đã thu về số tiền không hề nhỏ, cụ thể: IDP thu về khoảng 260 tỷ và Hội đồng Anh thu về khoảng 320 tỷ.

Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 quy định rõ trách nhiệm của các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, theo đó: (1) phải cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến liên kết trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này; (2) tổ chức thực hiện đúng đề án liên kết, bảo đảm việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ đúng quy định, không có gian lận; và (3) chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của chứng chỉ của nước ngoài cấp cho người học.

Nghị định của Chính phủ cũng quy định rõ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về liên kết đào tạo trực tuyến, liên kết đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến và liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Đồng thời phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và thông báo kết quả bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Chờ Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn các công ty thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ cáp trái phép

Trước sự việc trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi việc IDP và Hội đồng Anh tổ chức thi và cấp chứng chỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho hàng chục ngàn người vừa qua có phải là hành vi cố tình che dấu thông tin và lừa dối để chiếm dụng, trục lợi của khách hàng hay không?

Trả lời băn khoăn này, Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam và Hội đồng Anh (IDP&HDA) cấp chứng chỉ cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được cấp phép về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là vi phạm quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều 21 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy có hành vi vi phạm như: Có những hành vi gian dối khách hàng như che giấu thông tin về việc chưa đủ điều kiện tổ chức thi? Đã quảng bá, đưa thông tin sai lệch rằng mình đã được Bộ Giáo dục cấp phép cho cung ứng chứng chỉ IELTS, các thông tin trên trang web chính thức của công ty, IDP&HDA có đăng tải thông tin về việc mình có liên hết với các tổ chức nước ngoài hay,....? IDP&HDA tư vấn cho học viên của mình sai sự thật?

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy IDP&HDA có những hành vi nêu trên thì sự việc xảy ra đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi đó, người/tổ chức bị xác định có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về hình sự, bồi thường thiệt hại cho khách hàng hoặc xử lý vi phạm hành chính.

leftcenterrightdel
Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC 

Nếu có thì vi phạm ở quy định nào và xử lý như thế nào? Làm rõ hơn, Luật sư Trịnh Hữu Đức cho biết:

- Về trách nhiệm hình sự: Trong vụ việc này, nếu xác định được cá nhân cụ thể có hành vi lừa dối khách hàng, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng để trục lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy tố về tội Tội lừa dối khách hàng - Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không đặt ra đối với tội danh này.

- Về trách nhiệm dân sự: Nếu sau khi Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra chất lượng của các bài thi tại IDP&HĐA, xét thấy các bài thi này đảm bảo và đáp ứng được các điều kiện về chất lượng thì các thí sinh có thể sử dụng kết quả IELTS theo quy định của pháp luật về thi, tuyển sinh và đào tạo. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của IDP&HĐA sẽ không cần được đặt ra, hai bên trong hợp đồng đều đã nhận được quyền và thực hiện được nghĩa vụ của mình

Nếu toàn bộ chứng chỉ đó không được công nhận chất lượng mà sẽ bị thu hồi lại, thì đương nhiên IDP&HĐA sẽ phải đứng trước trách nhiệm bồi thường hợp đồng. Phần bồi thường ở đây có thể bao gồm tiền học phí, tiền chi trả cho các cơ sở vật chất, tiền giảng viên, tiền tài liệu, tiền thi,…Một số trường hợp nếu như học viên bị thiệt hại do chứng chỉ bị thu hồi (như mất việc, bị đuổi học, bị giảm lương, thuyên chuyển công tác,….) thì IDP&HĐA phải có trách nhiệm với những phần thiệt hại đó.

- Xử lý vi phạm hành chính: Hành vi của IDP&HĐA vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Đức, đến thời điểm thanh tra đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định là 1 năm.

Điểm chung mà Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận tại Kết luận số 17 và Kết luận số 18 là số lượng 56.230 và 90.481 chứng chỉ được cấp trái phép khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng Bộ này giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn công ty thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền./.

 

Tra Kết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra