Đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tồn tại trong quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế

Thứ ba, 14/03/2023 05:49
(ThanhtraVietNam) - Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại tồn tại, hạn chế về việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và tiền trồng rừng thay thế (TRTT) giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2021, xác định rõ nguyên nhân, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý theo quy định hiện hành.

Hàng loạt tồn tại trong quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế tại Lâm Đồng

Căn cứ vào kết quả thanh tra, những tồn tại, hạn chế về việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR và TRTT giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HĐQL Quỹ; Quỹ Lâm đồng thực hiện ngay việc chi trả 123.668,26 triệu đồng tiền DVMTR của năm 2018 (trong đó có 59.162,93 triệu đồng chuyển từ năm trước sang) theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 1716/VPCP-KKTTH ngày 19/3/2022 về việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng không có đối tượng chi. Hoàn thành trong năm 2023.

Chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát diện tích đủ điều kiện TRTT, tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng kế hoạch TRTT trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế thì chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để bố trí trồng rừng ở các địa phương khác. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch thu - chi tiền chi trả DVMTR hằng năm vào quý I hằng năm để các đơn vị có liên quan chủ động và có căn cứ triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh việc do thời gian không đủ dẫn đến việc thực hiện không đảm bảo khối lượng và chất lượng phải kết chuyển sang các năm sau thực hiện.

leftcenterrightdel
Đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tồn tại trong quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế 

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện những nội dung cụ thể. Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, không để tồn tiền DVMTR sang năm sau. Sử dụng tiền thu được từ bên sử dụng DVMTR nhưng không xác định được đối tượng hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền DVMTR theo đúng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Sử dụng tiền chi không thường xuyên từ nguồn trích chi quản lý hoạt động của Quỹ theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; Chỉ đạo Quỹ Lâm Đồng trích, sử dụng kinh phí quản lý phù hợp, tránh tồn thừa chuyển sang các năm tiếp theo.

Chỉ đạo Quỹ Lâm Đồng xử lý dứt điểm tiền kinh phí dự phòng chuyển từ năm 2018 qua các năm với số tiền là 10.638,28 triệu đồng theo đúng quy định pháp luật. Hoàn thành trong năm 2023.

Chỉ đạo Quỹ Lâm Đồng hoàn thiện việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR đúng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 61 Nghị định số 156/2018/NĐ CP. Hoàn thành trước 15/3/2023. Chỉ đạo Quỹ Lâm Đồng và các cơ quan chuyên môn của tỉnh rà soát Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 25/4/2914 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về xác định tiền chi trả DVMTR theo lưu vực dòng sông chính, cụ thể là 02 lưu vực sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk theo quy định tại Mục II Phụ lục VII Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018.

Về trồng rừng thay thế, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát diện tích trồng rừng thay thế đáp ứng tiêu chí theo quy định của pháp luật. Có văn bản yêu cầu các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng rừng thay thế từ nguồn tiền do Quỹ Lâm Đồng chuyển đến để thực hiện trồng rừng thay thế theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại đã nêu, xác định rõ nguyên nhân, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý theo quy định hiện hành.

HĐQL quỹ Lâm Đồng tiến hành xem xét, xây dựng kế hoạch và tiến độ giải quyết triệt để các tồn tại được nêu tại kết luận thanh tra. Chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ Lâm Đồng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chi trả DVMTR và TRTT. Chỉ đạo Ban Kiểm soát Quỹ Lâm Đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của Ban Điều hành Quỹ tỉnh. Phát hiện kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động liên quan đến chi trả DVMTR và TRTT để tham mưu cho HĐQL Quỹ trấn chỉnh, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị Quỹ Lâm Đồng quản lý việc thu và chi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế theo đúng quy định pháp luật. Tham mưu HĐQL trình UBND tỉnh Lâm Đồng phương án chi trả số tiền là 123.668,26 triệu đồng tiền DVMTR của năm 2018 (trong đó có 59.162,93 triệu đồng chuyển từ năm trước sang). Có văn bản yêu cầu các đơn vị có liên quan đến khoán bảo vệ rừng từ nguồn tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh thực hiện lập hồ sơ khoán bảo về rừng theo mẫu tại phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP.

Quản lý, sử dụng nguồn tiền TRTT theo đúng quy định của pháp luật. Đối với công tác xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng DVMTR “Đề nghị Quỹ tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 156/2018/NĐ-CP”. Xác định tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Mục II Phụ lục VII Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định. Đối công tác xây dựng bản đồ chi trả DVMTR đề nghị Quỹ tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 61 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Xây dựng kế hoạch Kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại tại điểm d khoản 1 Điều 72 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại đã nêu ở khoản 2 Mục III trên đây, xác định rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định hiện hành.

Ngoài ra Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐAM B’RI, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương thiết lập hồ sơ khoán bảo về rừng theo đúng mẫu tại phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP.

Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt thực hiện việc TRTT theo đúng phê duyệt và quy định của pháp luật. Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, Quỹ Lâm Đồng và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra và có báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra bằng văn bản gửi về Tổng cục Lâm nghiệp trước ngày 15/4/2023./.
An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra