Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 25/3 tại buổi làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số tỉnh ven biển có đội tàu đánh cá lớn để góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định trong lĩnh vực thủy sản.
Phải quản lý bằng được đội tàu cá, nhất là phương tiện hoạt động khai thác vùng khơi
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc áp dụng hai quy định về kích cỡ tối thiểu, trộn lẫn nguyên liệu đã từng phần đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tiến tới gỡ "thẻ vàng" về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, do hầu hết ngư dân vẫn chưa kịp thích nghi, thay đổi phương thức, ngư cụ khai thác phù hợp với quy định mới. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định mới cho ngư dân, doanh nghiệp liên quan còn hạn chế, chưa kịp thời.
Vì vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định trong lĩnh vực thủy sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của ngư dân, hiệp hội doanh nghiệp thủy sản về kích thước tối thiểu được phép khai thác thủy sản và trộn lẫn nguyên liệu.
    |
 |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (ảnh: VGP/Minh Khôi) |
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc thực hiện quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) giúp công tác quản lý hoạt động khai thác thủy, hải sản bền vững.
Vì vậy, dự thảo Nghị định cần phải có thêm các quy định, giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm nguyên nhân gốc rễ của tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định "bằng cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp, căn cơ, thuận theo tự nhiên, trong đó có vai trò, trách nhiệm của Nhà nước", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Được biết, để gỡ "thẻ vàng" IUU thì nhiệm vụ cấp thiết, trước mắt là phải quản lý bằng được đội tàu cá, nhất là phương tiện hoạt động khai thác vùng khơi.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều vụ việc khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thuộc về nhóm tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), hoặc những tàu cá đã hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác, thậm chí có cả tàu cá đã xóa đăng ký. Các địa phương đều gặp nhiều khó khăn để xác minh, xử lý chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân và phương tiện vi phạm.
Cần thể chế hóa quyền lợi, trách nhiệm của nhà mạng khi xảy ra hư hỏng, mất kết nối không do lỗi của ngư dân
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của các nhà mạng trong trường hợp xảy ra mất kết nối VMS do khách quan, bất khả kháng nhưng gây thiệt hại kinh tế cho ngư dân khi tàu cá phải quay lại bờ để khắc phục sự cố.
    |
 |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. (ảnh: VGP/Minh Khôi) |
"Chúng ta phải giải quyết bài toán duy trì hoạt động của thiết bị VMS. Các nhà mạng cần nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, có công cụ xác định đúng nguyên nhân khi thiết bị VMS không hoạt động, mất kết nối là do lỗi ngư dân, lỗi kỹ thuật hay lỗi bất khả kháng, chỉ rõ trách nhiệm của ai, bồi thường như thế nào nếu xảy ra thiệt hại kinh tế của ngư dân", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu tối đa những vấn đề, ý kiến được các địa phương, doanh nghiệp nêu ra.
Việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định trong lĩnh vực thủy sản phải có tầm nhìn xa hơn, căn cơ hơn, tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề mấu chốt để gỡ "thẻ vàng" IUU như: Quản lý hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản bền vững theo ngư trường, mùa sinh sản; tập trung xóa bỏ hoàn toàn tàu "3 không"; rà soát các quy định, điều kiện để các cảng cá tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ tiếp nhận tàu cá, xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác…
Phó Thủ tướng đề nghị đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính đối với tàu cá cập cảng trên cơ sở dữ liệu giám sát hành trình, nhật ký điện tử, "đúng hành trình, đúng thời gian, đúng khối lượng khai thác đã báo cáo thì được chuyển ngay sang "luồng xanh", tự động xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác theo quy trình hậu kiểm".
Đối với các tàu đánh bắt dài ngày sử dụng tàu hậu cần nghề cá cũng cần có biện pháp quản lý linh hoạt, không cứng nhắc để xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác đưa từ tàu hậu cần lên bờ.
Phó Thủ tướng yêu cầu: "Thông tin, dữ liệu về hoạt động của tàu cá, tàu hậu cần nghề cá, đơn vị thu mua, cơ sở/doanh nghiệp chế biến... phải được quản lý theo chuỗi khép kín bảo đảm nguồn gốc hải sản khai thác".
Ngoài ra, cần nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm thiết bị VMS hoạt động an toàn, liên tục; thể chế hóa quyền lợi, trách nhiệm của các nhà mạng khi xảy ra hư hỏng, mất kết nối không do lỗi của ngư dân./.
M. Phương (TH)