8 Chủ tịch quận, huyện vào diện kiểm tra trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra
Theo Kế hoạch số 172/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội (TP) mới ban hành kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra về phòng, chống tham nhũng năm 2024, Thanh tra TP được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Cụ thể, về kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra: Thanh tra TP tổ chức kiểm tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai trong việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Thời kỳ kiểm tra tính từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2023.
|
|
Quận Hoàn Kiếm vào diện kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra. Ảnh - PV |
Trong Quý III, IV/2024 sẽ kiểm tra việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc đối tượng kiểm tra có liên quan đến việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
Tiếp đó, về kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, UBND TP giao Thanh tra TP tổ chức kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ; UBND các quận, huyện: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố; Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Thủy lợi sông Đáy.
Thời kỳ kiểm tra tính từ năm 2022 đến năm 2023. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng; Thực hiện các quy định về phát hiện, xử lý tham nhũng.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Thanh tra TP Hà Nội. (Ảnh - PV) |
Kết luận cụ thể, quy rõ trách nhiệm đối với tồn tại, sai phạm
Mục đích của kế hoạch kiểm tra nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm và khắc phục những tồn tại đã nêu trong các kết luận thanh tra; tiếp tục kiến nghị đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thực hiện các kết luận thanh tra, trên địa bàn TP Hà Nội.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; đánh giá khách quan, chính xác tính đồng bộ, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng theo đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định nhằm ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội yêu cầu cuộc kiểm tra phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, những tồn tại, sai phạm phải được kết luận cụ thể, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý đúng pháp luật, phù hợp với thực tế và có tính khả thi. Quá trình kiểm tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức, cá nhân. Khi phát hiện có vi phạm, phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, báo cáo kết quả năm 2023 cho thấy, ngành Thanh tra Hà Nội đã triển khai 370 cuộc thanh tra hành chính (tăng 9,1% so với năm 2022) và 17.676 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 11,4% so với năm 2022). Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý đầu tư...; phát hiện vi phạm về kinh tế 213.626 triệu đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi 165.501 triệu đồng (tăng 90,6% so với năm 2022).