Hàng loạt tồn tại sai phạm tại dự án trồng rừng ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng

Thứ sáu, 05/08/2022 18:11
(ThanhtraVietNam) – Dự án chậm tiến độ, chưa đưa vào khai thác không đạt mục tiêu đã đề ra, trồng các loại cây không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, để rừng bị lấn chiếm diện tích lớn là những tồn tại, sai phạm tại dự án trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long làm chủ đầu tư ở huyện Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng.

Mới đây Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Thông báo Kết luận số 1018/TB-TTr ngày 02/8/2022 về thanh tra toàn diện quá trình đầu tư, thực hiện dự án trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long (gọi tắt là Công ty Song Hải Long) làm chủ đầu tư tại huyện Đạ Huoai.

Cụ thể, sau Thanh tra toàn diện, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra những tồn tại, sai phạm cụ thể như Dự án chậm tiến độ đầu tư theo tiến độ đã cam kết; còn một số hạng mục chưa hoàn thành bao gồm: trồng rừng, hệ thống nước, hệ thống xử lý môi trường vườn ươm. Dự án cũng chưa đưa vào khai thác sử dụng nên chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, Công ty chưa làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khi thay đổi tên người đại diện theo pháp luật. Công ty trồng các loại cây như: Lim xanh, sưa đỏ là không đúng các loại cây trồng theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, để rừng bị lấn chiếm diện tích lớn, làm mất trữ lượng rừng nên Công ty phải bồi thường tài nguyên rừng. Đối chiếu kết quả viễn thám thì diện tích thực tế rừng bị mất tại Dự án là 23,01 ha Công ty phải bồi thường.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến những tồn tại, sai phạm được Thanh tra tỉnh chỉ ra là do Công ty Song Hải Long là doanh nghiệp ngoài nhà nước nên việc nắm bắt các quy định của Nhà nước còn hạn chế, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty có nhiều lần thay đổi người đại diện theo pháp luật nên việc kế thừa để thực hiện dự án còn thiếu sót. Dự án có các vị trí rừng nằm tiếp giáp với đất sản xuất của các hộ dân, việc thỏa thuận lối đi vào Dự án mất nhiều thời gian và việc lấn chiếm diện tích đất Công ty được thuê của các hộ giáp ranh rất tinh vi, khó phát hiện đế xử lý hoặc đề xuất xử lý, thổ nhưỡng không phù hợp trồng cây cao su. Tình hình dịch Covid kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự chỉ đạo, điều hành, quản lý và thực hiện Dự án của Công ty.

Về nguyên nhân chủ quan, Thanh tra tỉnh chỉ rõ Công ty chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư Dự án; chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý bảo vệ rừng, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên đất được thuê, chưa kịp thời lập thủ tục về thuê rừng theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đạ Huoai, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, dẫn đến các tồn tại, sai phạm như đã nêu trên.

“Để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Song Hải Long trong việc thực hiện Dự án đầu tư theo Giấy chứng nhận được cấp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đạ Huoai, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai chịu một phần trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế nêu trên.” - Thanh tra tỉnh khẳng định

leftcenterrightdel
Hàng loạt tồn tại sai phạm tại dự án trồng rừng ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng 

Khắc phục các các tồn tại, sai phạm qua thanh tra

Từ Kết luận trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh theo quy định tại Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư 2014, Điều 64 Luật Đất đai 2013, Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 07/5/2009 và Văn bản số 3546/UBND-LN ngày 26/6/2015 của UBND tỉnh thì Dự án của Công ty thuộc diện bị thu hồi một phần Dự án. Tuy nhiên, diện tích đất chưa triển khai thực hiện Dự án và diện tích đất trong quá trình triến khai thực hiện Dự án có sai phạm nằm rải rác, không liền lô, liền khoảnh; Công ty cam kết xây dựng kế hoạch thực hiện dự án đến hết năm 2022; nộp đủ tiền bồi thường tài nguyên rừng (sau khi được các cơ quan tính toán); thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đủ mạnh để tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được thuê; xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững trình cơ quan thẩm quyền thấm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật để thực hiện. Hơn nữa, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và Công ty Song Hải Long được tiếp tục thực hiện Dự án theo mục tiêu đã đề ra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho Công ty được tiếp tục thực hiện Dự án và yêu cầu Công ty Song Hải Long và các sở, ngành thực hiện các nội dung sau:

Đối với Công ty Song Hải Long cần khắc phục các các tồn tại, sai phạm qua thanh tra: hoàn thành việc trồng rừng, xây dựng hệ thống nước, hệ thống xử lý môi trường, xử lý đối với loại cây không đúng chủng loại được phép trồng, xây dựng phương án và tiến hành giải tỏa trồng lại 38,43ha đất rừng (gồm: 15,42ha đất rừng mất trước thời điểm bàn giao đất cho Công ty và 23,01 ha đất rừng bị lấn chiếm và khai thác trái phép trong quá trình Công ty triển khai thực hiện dự án), thực hiện nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng do để mất rừng, thời gian thực hiện trước ngày 31/12/2022.

Khẩn trương thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đủ mạnh để tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được thuê; xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật để thực hiện; xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, phương án phòng chống cháy hàng năm theo quy định. Liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thủ tục điều chỉnh người đại diện theo pháp luật tại Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp; lập thủ tục để được tiếp tục đầu tư dự án theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số liệu đế Sở Tài chính xác định số tiền phải bồi thường trên diện tích 23,01 ha rừng bị mất trong quá trình Công ty Song Hải Long thực hiện Dự án tại Tiểu khu 575, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai để Công ty bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định. Phối hợp với Sở Tài chính xác định giá trị tài nguyên rừng đối với diện tích 9.79 ha trước đây Công ty đã nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng nhưng ngừng khai thác để cấn trừ vào số tiền bồi thường tài nguyên rừng do để rừng bị mất trong thời gian Công ty được cho thuê thực hiện Dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty Song Hải Long lập thủ tục để được tiếp tục đầu tư thực hiện dự án và điều chỉnh người đại diện theo pháp luật tại giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư của Công ty Song Hải Long theo văn bản chấp thuận của UBND tỉnh (nếu được tiếp tục đầu tư).

Sở Tài chính tính toán, xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số liệu và số tiền Công ty được cấn trừ do tạm ngừng khai thác nhưng đã nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng để Công ty Song Hải Long nộp tiền bồi thường đối với diện tích rừng bị mất khi được bàn giao thực hiện Dự án.

UBND huyện Đạ Hoai theo dõi, đôn đốc Công ty Song Hải Long thực hiện giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm để trồng lại rừng. Tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm được phát hiện.

Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất đối với Công ty Song Hải Long để kịp thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, sai phạm.

Yêu cầu Công ty Song Hải Long tăng cường công tác kiểm tra quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp; thường xuyên tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập đầy đủ hồ sơ đối với các vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp để báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định./.

H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra