Hàng loạt tồn tại trong quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền trồng rừng thay thế tại Lâm Đồng

Thứ hai, 13/03/2023 10:05
(ThanhtraVietNam) - Tại Kết luận về việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và tiền trồng rừng thay thế giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2021, Tổng Cục Lâm nghiệp đã chỉ ra hàng loạt tồn tại hạn chế trong công tác này tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, tại Kết luận số 102/KL-TCLN-PCTT nêu rõ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, điểm a khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh được trích, sử dụng tối đa 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ. Mức trích cụ thể trong kế hoạch thu, chi hằng năm của Quỹ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, các năm 2018, 2019, 2020, 2021 Quỹ Lâm Đồng không căn cứ vào số kinh phí thực chi trong năm cho các hoạt động của bộ máy Quỹ, số tiền kết dư từ năm trước chuyển sang để tham mưu HĐQL Quỹ trình UBND tỉnh quyết định mức trích % cho chi phí quản lý của Quỹ. Dẫn đến số tiền kết dư chuyển sang năm sau còn nhiều. Cụ thể: năm 2018: 25.844,80 triệu đồng (trong đó có 9.162,93 triệu đồng chuyển từ năm trước sang), năm 2019: 12.626,10 triệu đồng, năm 2020: 6.375,19 triệu đồng và năm 2021: 12.184,50 triệu đồng. “Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về HĐQL Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, BĐH Quỹ Lâm Đồng thời kỳ 2018 - 2021.” - Tổng Cục Lâm nghiệp khẳng định

Theo nội dung điểm đ khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định: “đ) Số tiền còn lại sau khi trừ kinh phí quản lý đã trích, kinh phí dự phòng đã sử dụng theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều này, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Nghị định này;”. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2021 Quỹ Lâm Đồng vẫn còn kết dư 10.638,28 triệu đồng tiền kinh phí dự phòng từ năm 2018 chuyển qua các năm 2019, 2020, 2021. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về HĐQL Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, BĐH Quỹ Lâm Đồng thời kỳ 2018 - 2021.

Ngoài ra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ CP: “Chi không thường xuyên: chi hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; chi các hoạt động rà soát xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, các hoạt động kỹ thuật theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ môi trường rừng; chi hỗ trợ hoạt động liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp huyện, xã; chi hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản phục vụ hoạt động bộ máy Quỹ, mua sắm các trang thiết bị đặc thù phục vụ công tác chi trả; chi tuyên truyền; chi dịch vụ kiểm toán; chi đoàn ra, đoàn vào và chi khác (nếu có)”. Tuy nhiên, năm 2019, HĐQL Quỹ Lâm Đồng có Tờ trình số 10/TTr-HĐQL ngày 18/9/2019 tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2121/QĐ UBND ngày 30/9/2019 Phê duyệt kế hoạch thu, chi kinh phí DVMTR tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Theo đó, tại Phụ lục 05 Dự toán chi phí quản lý của Quỹ Lâm Đồng năm 2019, mục chi không thường xuyên có nội dung “Mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp (cây Thanh mai)”, số tiền được phê duyệt 647,00 triệu đồng, số tiền đã sử dụng, thanh toán 647,00 triệu đồng. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về HĐQL Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, BĐH Quỹ Lâm Đồng thời kỳ 2018 - 2021.

leftcenterrightdel
ảnh minh họa 

Năm 2020, HĐQL Quỹ Lâm Đồng có Tờ trình số 06/TTr-HĐQLQ ngày 29/4/2022 tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 31/5/2022 Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu, chi kinh phí DVMTR tỉnh Lâm Đồng năm 2021. Theo đó, tại Phụ lục VI kết quả chi kinh phí chưa xác định và không xác định được đối tượng nhận tiền DVMTR năm 2019 chuyển nguồn sang tiếp tục thực hiện các hạng mục trong năm 2021 có nội dung chi phí cho nội dung “Hỗ trợ trồng rừng, trồng cây phân tán và trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp trong các khu vực cung ứng DVMTR”. Tổng số tiền được phê duyệt là 2.500.000.000 đồng; số tiền đã thực hiện là 2.074.754.000 đồng (huyện Di Linh: 1.154.846.000 đồng, huyện Lâm Hà: 919.908.000 đồng). “Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về HĐQL Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, BĐH Quỹ Lâm Đồng thời kỳ 2018 - 2021.” - Tổng Cục Lâm nghiệp chỉ rõ.

Theo nội dung khoản 4 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017 có quy định: “4. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác”. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2021 tại Quỹ Lâm Đồng vẫn còn tồn 109.138,00 triệu đồng tiền trồng rừng thay thế từ những năm trước chưa thực hiện nhưng vẫn không thực hiện việc kết chuyển theo quy định nêu trên. Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại nêu trên thuộc về HĐQL Quỹ Lâm Đồng thời kỳ 2018 - 2021.

Tại Dự án trồng bổ sung cây dưới tán rừng thông thưa, rừng thông già cỗi và chăm sóc cây trồng các năm theo Đề án bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt do Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt thực hiện: Hợp đồng mua bán phân bón không có căn cứ xác định giá để ký hợp đồng; Hợp đồng kinh tế số 04/HĐKT ngày 05/12/2019 giữa Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt với Công ty cổ phần tư vấn Lâm - Nông nghiệp thiếu Biên bản thanh lý hợp đồng. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt.

Công trình trồng rừng thay thế được phê duyệt tại Quyết định số416/QĐ-SNN ngày 24/6/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình lâm sinh trồng rừng thay thế và chăm sóc rừng các năm tại Ban Quản lý rừng Lâm Viên. Tổng mức đầu tư: 3.059,60 triệu đồng, số tiền đã thực hiện được quyết toán: 1.568,40 triệu đồng. Tại Quyết định số 416/QĐ-SNN ngày 24/6/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý rừng Lâm Viên tự tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng Lâm Viên ký hợp đồng với các cá nhân, nhóm hộ thực hiện. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về Ban Quản lý rừng Lâm Viên.

Tại Quyết định số 2909/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 của UBND huyện Di Linh về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Trồng thí điểm cây Giổi xanh trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp ổn định. Giao Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp thực hiện gói thầu mua 20 cây giống theo hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp không thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp.

Cùng với đó 02/03 Hiện trường cây Giổi xanh trồng thí điểm trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp ổn định do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bắc - Hòa Nam không đủ mật độ theo hồ sơ thiết kế (điểm kiểm tra số 02 có 15 cây/ha, điểm kiểm tra số 03 có 80 cây/ha, trong khi thiết kê được phê duyệt là 185 cây/ha); diện tích trồng cây Giổi xanh giữa bản đồ và thực địa có nhiều sai khác về hình dạng, vị trí lô giữa bản đồ và thực địa không phù hợp. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bắc - Hòa Nam.

Tại lô 2, khoảnh 4, tiểu khu 161, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Tọa độ vị trí kiểm tra: X: 567928; Y: 1316516); loài cây trồng: thông 3 lá, mật độ trồng 2.220 cây/ha, năm trồng: 2021 do Ban Quản lý rừng Lâm Viên thành phố Đà Lạt thực hiện. Tại hiện trường, Đoàn Thanh tra nhận thấy diện tích trồng rừng thay thế được trồng trên phần lớn diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt. Tại lô a2, khoảnh 3, tiểu khu 157B, phường 4, thành phố Đà Lạt (Tọa độ vị trí kiểm tra: X; 573083; Y; 1318165); loài cây trồng: thông 3 lá, mật độ trồng 2.220 cây/ha, năm trồng: 2020 do Ban Quản lý rừng Lâm Viên thành phố Đà Lạt thực hiện. Tại hiện trường, Đoàn thanh tra xác minh ghi nhận rừng trồng thay thế được trồng dưới tán rừng Thông tự nhiên. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về Ban Quản lý rừng Lâm Viên, các đơn vị thẩm định hồ sơ, hiện trường trồng rừng thay thế.

Các hồ sơ khoán bảo vệ rừng các năm tại các đơn vị được kiểm tra chưa làm theo mẫu tại phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước. Trách nhiệm để tồn tại nêu trên thuộc về các đơn vị có giao khoán bảo vệ rừng Đoàn thanh tra đến làm việc.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra