Sơn Tịnh, Quảng Ngãi:

Hàng trăm công trình xây dựng nông thôn mới vượt cơ cấu vốn Trung ương, tỉnh

Thứ hai, 24/06/2024 17:09
(ThanhtraVietNam) – 142 công trình thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi sử dụng vượt cơ cấu vốn Trung ương, tỉnh theo tỷ lệ quy định.

Đó là một trong hàng loạt sai phạm đã được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra tại Kết luận thanh tra chuyên đề về nợ đọng xây dựng cơ bản, việc thu hồi nợ tạm ứng và quyết toán công trình xây dựng tại UBND huyện Sơn Tịnh giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 3 năm 2023.

UBND các xã quyết toán vượt tỷ lệ cơ cấu vốn ngân sách Trung ương

Cụ thể, đối với việc phân bổ vốn và xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trong quá trình xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn, UBND huyện Sơn Tịnh chưa tuân thủ nguyên tắc về ưu tiên, tập trung bố trí vốn, không làm rõ khả năng huy động, phân định, cân đối nguồn vốn, kéo dài thời gian bố trí vốn trong 03 năm gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

UBND huyện, UBND các xã cũng để xảy ra nhiều công trình phát sinh nợ đọng ngân sách huyện, xã khi số tiền nợ đọng cuối năm 2019 là 1,849 tỷ đồng đến tháng 3/2023 số tiền nợ đọng là 12,395 tỷ đồng; không ưu tiên bố trí đủ kế hoạch vốn hàng năm để trả nợ mà bố trí vốn để đầu tư khởi công mới nhiều công trình là chưa đúng theo khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công năm 2019, khoản 2 Điều 4 Quyết định số 26/2020/QÐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và điểm g khoản 2 Điều 3 Quy định kèm theo Nghị quyết số 19/2020/NQ-HÐND ngày 10/12/2020 của HÐND tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo kết luận, UBND huyện Sơn Tịnh, UBND các xã chưa xây dựng kế hoạch trả nợ đối với 69 công trình còn nợ 5,476 tỷ đồng là chưa thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và theo Công văn số 2208/UBND-KTTH ngày 12/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Trung tâm Chính trị Hành chính huyện Sơn Tịnh. (Ảnh-Tapchigiaothong)

Không chỉ vậy, UBND huyện Sơn Tịnh, UBND các xã cũng đã quyết toán vượt tỷ lệ cơ cấu vốn ngân sách Trung ương, tỉnh được duyệt đối với 142 công trình thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới với số tiền 3,782 tỷ là không đúng nguyên tắc quản lý vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2014 và khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Mặt khác, về tạm ứng và thu hồi nợ tạm ứng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện làm Chủ đầu tư đã cho nhà thầu thi công tạm ứng vốn đối với 09 công trình không có kế hoạch giải phóng mặt bằng là thực hiện chưa đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/012016 của Bộ Tài chính.

Đối với việc thanh, quyết toán dự án hoàn thành, đơn vị tư vấn lập; Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm định dự toán chưa chính xác làm tăng giá trị dự toán được duyệt của 16 công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện làm Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và Ban quản lý thực hiện Chương trình MTQG các xã làm chủ đầu tư làm tăng tổng dự toán số tiền 408,21 triệu đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện và UBND các xã, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công trong quá trình nghiệm thu không kiểm tra tính toán khối lượng theo đúng thực tế thi công, theo hồ sơ thiết kế được duyệt và bản vẽ hoàn công mà nghiệm thu theo khối lượng dự toán tính tăng dẫn đến thanh toán tăng giá trị của 16 công trình là hơn 408,21 triệu đồng.

Các Chủ đầu tư, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện trong quá trình lập, thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành còn chậm so với thời gian quy định của 91 công trình.

Các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công chưa thực hiện đúng trách nhiệm theo hợp đồng, chưa tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư và xây dựng dẫn đến sai phạm.

Xác định đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất chưa sát thực tế là nguyên nhân chính của sai phạm

Theo Kết luận của thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong đó do các nguyên nhân chính như việc xác định đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất hàng năm chưa sát thực tế dẫn đến hụt thu ngân sách nên không cân đối nguồn vốn và UBND huyện chưa kịp thời xử lý, điều chỉnh dừng, giãn tiến độ thực hiện dự án dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Năng lực chuyên môn nghiệp vụ của Chủ tịch UBND các xã; Thủ trưởng các phòng: Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện có mặt còn hạn chế dẫn đến tham mưu còn để xảy ra sai sót.” – Kết luận thanh tra nêu.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh chịu trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai sót

 Kết luận thanh tra chỉ rõ, trách nhiệm của UBND huyện, trong đó Chủ tịch UBND huyện là người đứng đầu chịu trách nhiệm về các nội dung sai sót trong quá trình lập, tham mưu HÐND huyện phân bổ, quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công và quyết định Chủ đầu tư, quyết định đầu tư các công trình, dự án; bố trí kế hoạch vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản không kịp thời.

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chịu trách nhiệm chính trong công tác tham mưu để xảy ra sai sót về lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công, sử dụng vượt cơ cấu vốn, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, chậm thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với 43 công trình.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thẩm định tăng khối lượng 16 công trình dẫn đến làm tăng giá trị dự toán được duyệt với tổng số tiền hơn 408,21 triệu đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong quá trình lập hồ sơ dự toán, nghiệm thu, thanh toán và lập quyết toán tăng khối lượng của 09 công trình để xảy ra sai phạm với số tiền quyết toán tăng hơn 271,91 triệu đồng, cho nhà thầu thi công tạm ứng vốn không có kế hoạch giải phóng mặt bằng; không lập quy trình bảo trì công trình xây dựng; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc sử dụng vượt cơ cấu vốn Trung ương, tỉnh theo tỷ lệ quy định đối với 03 công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; để xảy ra nợ đọng đối với 05 công trình được giao làm Chủ đầu tư.

UBND xã và Ban Quản lý thực hiện Chương trình MTQG các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Hà, Tịnh Bắc, Tịnh Trà chịu trách nhiệm của Chủ đầu tư đối với 07 công trình để xảy ra sai phạm với số tiền quyết toán tăng 136,302 triệu đồng.

Đối với 142 công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới sử dụng vượt cơ cấu vốn Trung ương, tỉnh theo tỷ lệ quy định: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện chịu trách nhiệm trực tiếp đối với 03 công trình; UBND các xã: Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Phong, Tịnh Hà, Tịnh Bắc, Tịnh Trà chịu trách nhiệm trực tiếp đối với 139 công trình.

UBND các xã: Tịnh Trà, Tịnh Đông, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Phong, Tịnh Sơn, Tịnh Hà chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ đọng và chậm xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các công trình được giao làm Chủ đầu tư.

Các Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, UBND các xã: Tịnh Bắc, Tịnh Trà, Tịnh Thọ, Tịnh Phong, Tịnh Hiệp, Tịnh Bình chịu trách nhiệm trực tiếp đối với vi phạm trong công tắc chậm quyết toán dự án hoàn thành đối với 56 công trình thực hiện từ năm 2020 đến tháng 3 năm 2023.

Các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công chưa thực hiện đúng trách nhiệm theo hợp đồng, chưa tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư và xây dựng dẫn đến sai phạm trong việc tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán tăng khối lượng các công trình qua thanh tra.

An Khang

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra