Thanh tra Bộ Nội vụ:

Hiệu quả từ hơn 100 cuộc thanh tra về công tác tổ chức, cán bộ

Thứ ba, 14/05/2024 14:38
(ThanhtraVietNam) - Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương đã chia sẻ về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hơn 100 cuộc thanh tra về công tác tổ chức, cán bộ.

PV: Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra với nội dung chủ yếu về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý... Chánh Thanh tra có thể cho biết một số kết quả nổi bật?

leftcenterrightdel

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương đã có những chia sẻ về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác tổ chức, cán bộ. (Ảnh: Dương Nguyễn)

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ, những năm qua Bộ Nội vụ đã tiến hành hơn 100 cuộc thanh tra về công tác tổ chức, cán bộ. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý...; nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức… Qua hoạt động thanh tra, đã phát hiện ra nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có những hạn chế, khuyết điểm có tính phổ biến trong công tác tổ chức cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương nhất là trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; bổ nhiệm.

Như về tuyển dụng, nội dung thông báo tuyển dụng không được công khai theo quy định, quy định bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển, đưa ra các điều kiện tuyển dụng chưa phù hợp với quy định pháp luật (về bằng đại học chính quy, hạn chế độ tuổi tham gia tuyển dụng, hộ khẩu thường trú tại địa phương); còn thiếu sót, khuyết điểm trong việc thành lập Hội đồng tuyển dụng, các ban, bộ phận giúp việc; việc chấm thi, công nhận kết quả tuyển dụng; tuyển dụng, tiếp nhận không qua thi tuyển và việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục; thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo chính sách thu hút không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Về bổ nhiệm, nhiều công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh và trình tự, thủ tục, thời hạn bổ nhiệm không đảm bảo theo quy định; ban hành quyết định bổ nhiệm lại không đảm bảo thời gian so với tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức hoặc quyết định bổ nhiệm lại còn chậm so với quy định…

PV: Phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác tổ chức, cán bộ qua các cuộc thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có những kiến nghị, đề xuất để xử lý vấn đề như thế nào, thưa ông?

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:

Qua hoạt động thanh tra công vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định, trong đó có các trường hợp được tuyển dụng theo Đề án chính sách thu hút của bộ, ngành, địa phương; các trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm... Khi được Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm thì các bộ, ngành và địa phương là đối tượng thanh tra cũng đã tự thu hồi nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định. Liên quan đến việc thực hiện Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị; Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019, Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 29/03/2022 của Ban Bí thư, từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Bộ Nội vụ đã phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với nhiều trường hợp sai phạm trong tuyển dụng và bổ nhiệm.

Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, kiến nghị biện pháp xử lý, Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra hạn chế, khuyết điểm. Từ đó, kiến nghị các cơ quan, đơn vị làm rõ trách nhiệm, mức độ, động cơ vi phạm để có hình thức xử lý theo quy định; qua đó từng bước ngăn chặn, phòng, chống tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ.

PV: Bên cạnh kết quả nổi bật, có khó khăn, hạn chế nào thông qua việc triển khai công tác thanh tra về công tác cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương, thưa ông?

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:

Thứ nhất, mặc dù đã được từng bước tăng cường, nhưng so với số lượng đối tượng thanh tra thì số lượng công chức làm công tác thanh tra về tổ chức cán bộ còn mỏng (tại Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ có gần 30 công chức/ hơn 100 đầu mối là các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và hơn 600 hội, quỹ cũng như một số đối tượng thanh tra khác; tại Thanh tra Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố, hầu hết chỉ có từ 03 đến 05 công chức làm công tác thanh tra) nên việc tăng cường số lượng các cuộc thanh tra; nâng cao, mở rộng nội dung thanh tra bị hạn chế.

Thứ hai, do tính chất đặc thù nên công tác thanh tra về tổ chức, cán bộ không có chế tài xử phạt. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả, tính răn đe đối với đối tượng thanh tra nhất là những đối tượng để xảy ra tồn tại, khuyết điểm, sai phạm chưa cao. Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với những sai phạm trong công tác tổ chức, cán bộ còn chưa quyết liệt, chưa đồng bộ. Hiện nay, việc xử lý các sai phạm trong công tác bổ nhiệm mới chỉ được quy định trong các văn bản của Đảng như Thông báo kết luận số 43-TB/TW của Bộ Chính trị; các kết luận số 48, 71, 27 của Ban Bí thư và Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cụ thể là những sai phạm trong công tác bổ nhiệm thì có thể bị xem xét thu hồi, hủy bỏ. Trong khi đó, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về việc thu hồi, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm sai quy định. 

Bên cạnh đó, pháp luật về công tác tổ chức, cán bộ chưa quy định, hướng dẫn các biện pháp để xử lý các sai phạm pháp hiện qua thanh tra, kiểm tra. Ví dụ, khi phát hiện trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm sai thì chưa có quy định cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc Đoàn thanh tra, kiểm tra được quyền áp dụng biện pháp đình chỉ việc thực thi quyết định đó, đồng nghĩa đình chỉ việc người được bổ nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ của chức vụ, vị trí được bổ nhiệm. Từ khi phát hiện sai phạm khi thanh tra cho đến khi có kết luận thì mất một khoảng thời gian khá dài, trong thời gian đó, người được bổ nhiệm sai quy định vẫn được thực thi chức trách, quyền lực của chức vụ mình nắm giữ và có thể xảy ra tình trạng lợi dụng thời gian này để “chạy sai phạm”, nhờ vả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bỏ qua sai phạm của mình, dẫn tới phát sinh hối lộ, tham nhũng, tiêu cực; hoặc cũng dễ xảy ra tình trạng lợi dụng thời gian này để lộng quyền, lạm quyền để vụ lợi, để tham nhũng trước khi bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm.

Thứ ba, hiện nay, công tác tổ chức, cán bộ đang được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ; đi đôi với đó là đẩy mạnh tinh thần tự quyết, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do vậy, hoạt động giám sát của cấp có thẩm quyền ít khi được triển khai thực hiện trong công tác tổ chức, cán bộ (trừ hoạt động thanh tra, kiểm tra). Do giám sát chưa thường xuyên, nhất là không có giám sát của các cơ quan cấp trên; giám sát của các cơ quan, đơn vị bên ngoài nên dẫn đến dễ phát sinh tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ. Ví dụ như hiện nay, các bộ, ngành, địa phương tự tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch, thi thăng hạng; cơ quan có thẩm quyền tổ chức cũng chính là cơ quan có thẩm quyền thành lập các ban giám sát. Tuy nhiên, do Ban giám sát và Hội đồng tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng do cùng một người thành lập nên việc giám sát độc lập, khách quan, minh bạch còn hạn chế. Nhiều cuộc thanh tra về công tác tuyển dụng của Thanh tra Bộ cho thấy: Mặc dù trong báo cáo kết quả giám sát của Ban giám sát thì việc tuyển dụng của Hội đồng tuyển dụng thực hiện theo quy định; nhưng qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm và có nhiều kỳ tuyển dụng phải kiến nghị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng.

PV: Những năm gần đây, hoạt động thanh tra công vụ được chú trọng thực hiện, theo nhiều ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, đây là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong thực thực thi công vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ có thể chia sẻ về vấn đề này?

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:

Với việc tăng cường hoạt động thanh tra; đặc biệt với những chế tài cụ thể, mang tính răn đe (thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai phạm; kiến nghị xem xét, xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm), làm cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức tốt hơn, coi trọng hơn về công tác tổ chức cán bộ. Nếu như trước đây, công tác tổ chức cán bộ thường làm theo thói quen, theo chỉ đạo của người có thẩm quyền mà chưa thực sự quan tâm đến việc tuân thủ các quy định của của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn. Điều này dẫn tới những tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ (chạy chức, chạy bằng, chạy danh hiệu, chạy kỷ luật...).

Tuy nhiên, từ khi đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ, nhất là tập trung vào những công tác dễ nảy sinh tiêu cực (như tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật), một mặt đã phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có tính răn đe để phòng ngừa vi phạm; mặt khác các cơ quan, đơn vị nhận thức được việc mình làm sẽ thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, do đó đã quan tâm hơn trong việc tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó chính là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đang hướng tới, cụ thể là xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.

Bên cạnh đó, qua thanh tra đã phát hiện nhiều văn bản của các bộ, ngành, địa phương quy định, hướng dẫn đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ có nội dung không đúng, trái quy định chung; không đầy đủ và chậm được sửa đổi, bổ sung. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Qua thanh tra, từ việc trao đổi, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm; hướng dẫn đối tượng thanh tra thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật nên việc thực thi pháp luật của các bộ, ngành, địa phương sau khi được Bộ Nội vụ thanh tra đều có bước chuyển biến rõ rệt, tích cực. Đối với những bộ, ngành, địa phương lần đầu được thanh tra phát hiện rất nhiều hạn chế, vi phạm. Sau 3 đến 5 năm quay lại thanh tra, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt lên rất nhiều so với trước đây, ít vi phạm hơn đặc biệt là những vi phạm lớn, nghiêm trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Dương Nguyễn (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra