Huyện Đăk Tô (Kon Tum): Vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí

Thứ sáu, 26/05/2023 07:46
(ThanhtraVietNam) - Hàng loạt những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, các nguồn kinh phí khác; công tác quản lý, sử dụng tài sản công của UBND huyện Đăk Tô và các đơn vị trực thuộc đã được Thanh tra tỉnh Kon Tum chỉ rõ tại Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr ngày 28/4/2023.

Kết quả thanh tra cho thấy, một số chứng từ mua hàng hóa, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, sửa chữa của các đơn vị được thanh tra chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 3 Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính (đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp) và theo quy định tại tiểu mục 2 mục II Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005; Điều 3 Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 của Bộ Tài chính (đối với UBND các xã); Điều 16 Luật Kế toán năm 2015. Trách nhiệm này thuộc về kế toán các đơn vị giai đoạn 2019 - 2021.

UBND các xã: Diên Bình, Pô Kô, Đăk Trăm chi hỗ trợ các chi bộ trường học không đúng quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 99-QĐ/TW ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư quy định chế độ hoạt động công tác đảng của tổ chức đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, tổng số tiền là 46.790.000 đồng. Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã và kế toán 3 xã nêu trên giai đoạn 2019 - 2021.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng kinh phí không đúng quy định

Ngoài các khuyết điểm, tồn tại chung, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã chỉ ra những hạn chế tại từng đơn vị được thanh tra trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và các nguồn kinh phí khác; công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, trên Hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng giữa các bên của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2019, 2020 không có điều khoản quy định về “nhãn hàng hóa” theo quy định tại Điều 5, 11, 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Đồng thời, năm 2019, 2020, 2021 đơn vị sử dụng nguồn kinh phí không tự chủ (kinh phí thuê mướn phục vụ các hoạt động phát sinh) để chi trả cho Hợp đồng lao động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phát sinh của đơn vị là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.

Nguồn ngân sách huyện đối ứng chưa hỗ trợ kinh phí năm 2021 cho người dân thực hiện Dự án trồng rừng sản xuất năm 2021, số tiền trên 100 triệu đồng.

Đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, bàn ghế tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, trong biên bản thương thảo Hợp đồng kinh tế giữa đơn vị với nhà thầu không có điều khoản “nhãn bàn ghế” theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN- BYT ngày 16/6/2011 và “nhãn hàng hóa” theo quy định tại Điều 5, Điều 11, 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP. Trên bàn ghế, trang thiết bị không được đóng nhãn hàng hóa, không có thông tin của tên sản phẩm, tên của nhà sản xuất, năm sản xuất, cỡ số của sản phẩm. Thanh tra tỉnh Kon Tum nêu rõ, trách nhiệm này thuộc về Trưởng phòng và kế toán giai đoạn 2019 - 2021.

leftcenterrightdel
Cơ sở hạ tầng thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển. (Ảnh: kontum.gov.vn) 

Nhiều xã chưa thực hiện nghiêm quy định về chứng từ kế toán

UBND xã Diên Bình chưa thực hiện ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính phải lưu trữ biên lai điện tử chứng từ thu phí, lệ phí năm 2021 theo thời hạn quy định của Luật Kế toán và theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính. Mặt khác, chưa thực hiện thu hồi vốn từ các hộ dân tham gia Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019, 2020 (nguồn vốn 135/CP, nông thôn mới); hợp đồng nghiệm thu mua bàn ghế làm việc, bục âm ly, đầu đĩa loa phóng thanh... tại nhà văn hóa thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Nông thôn mới năm 2020 không thể hiện quy cách, nhãn hiệu...

UBND xã Pô Kô chưa thực hiện luân chuyển vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019. Hợp đồng nghiệm thu Dự án nuôi bò sinh sản tại thôn Kon Tu Dốp 1, thôn Đăk Mơ Ham thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2020 không ghi trọng lượng và yêu cầu kiểm dịch chất lượng.

UBND xã Đăk Trăm sử dụng mẫu các chứng từ kế toán năm 2019 (phiếu thu, phiếu chi, giấy đi đường) là các mẫu của văn bản đã hết hiệu lực. Không lập dự toán và phê duyệt dự toán, đơn vị căn cứ kế hoạch vốn đối với việc mua sắm thiết bị âm ly, loa, lắp đặt cầu trượt, xích đu… cho nhà văn hóa thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2020.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND các xã và kế toán giai đoạn 2019 - 2021.

Đáng chú ý, về nguồn thu tiền ăn học sinh bán trú năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 tại Trường Mầm non Sao Mai: Các chứng từ mua thực phẩm không có hóa đơn bán hàng (cá, thịt, gia vị....), chỉ có giấy biên nhận mua bán. Hàng ngày, nhà trường giao nhận hàng hóa với nhà cung cấp chỉ có số lượng không có đơn giá. Cuối tháng nhà trường tổng hợp số lượng theo giấy biên nhận mua bán hàng ngày để thanh toán cho nhà cung cấp; cập nhật chứng từ chưa đảm bảo. Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trưởng và kế toán giai đoạn 2019 - 2021.

leftcenterrightdel
Trụ sở UBND huyện Đăk Tô. (Ảnh internet) 

Nghiệm thu thanh toán sai so với khối lượng thực tế thi công

Tại Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr, Thanh tra tỉnh Kon Tum còn chỉ ra một số sai phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng của UBND huyện Đăk Tô và các đơn vị được thanh tra.

Cụ thể, các công trình, dự án trong quá trình nghiệm thu thanh toán còn có một số gói thầu xây lắp, nghiệm thu thanh toán sai so với khối lượng thực tế thi công, chủ đầu tư chưa rà soát, cắt giảm phần dự toán tính thừa khối lượng so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Đáng nói, tiền thuế giá trị gia tăng 10% phần chi phí nhân công đối với các công trình nông thôn mới chưa thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước. Từ đó, dẫn đến kết quả kiểm tra một số gói thầu giảm so với giá trị được chủ đầu tư chấp nhận thanh toán với số tiền 432.633.760 đồng (chưa trừ thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện là 149.466.826 đồng; Phòng Giáo dục và đào tạo huyện 19.497.432 đồng; UBND xã Pô Kô 16.535.030 đồng; UBND xã Kon Đào 32.678.144 đồng; UBND xã Đăk Trăm 48.325.524 đồng; UBND xã Văn Lem 72.642.100 đồng; UBND xã Đăk Rơ Nga 48.672.100 đồng; UBND xã Ngọc Tụ 44.816.681 đồng.

Các công trình đầu tư theo Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong quá trình nghiệm thu thanh toán các xã chưa thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 của UBND tỉnh Kon Tum, chi phí nhân công (phần Nhà nước đầu tư) chủ đầu tư không thực hiện thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và Nghị số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ./.

(còn nữa)

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra