|
|
Ths. Phạm Thị Thu Hiền, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thanh tra Chính phủ, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra. Ảnh: NVCC |
Trong những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng, tăng cường sự tham gia của công chức, viên chức là nữ vào cấp Uỷ và các vị trí lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ nữ tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời tạo điều kiện cho nữ giới được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10…
Có thể nói, công chức, viên chức, người lao động nữ của cơ quan Thanh tra Chính phủ luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy vai trò trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Hầu hết chị em đều cố gắng khắc phục khó khăn trong cuộc sống, tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin phép gửi tới toàn bộ chị em của cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng, ngành Thanh tra nói chung những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc chị em luôn là những bông hoa xinh đẹp nhất, hạnh phúc nhất!
Chủ trương đúng đắn, phù hợp, cách làm chặt chẽ nhưng việc thay đổi môi trường sau nhiều năm công tác, sang vị trí mới, nhiệm vụ mới… liệu có là khó khăn, thách thức và gây tâm lý e ngại đối với các cán bộ được luân chuyển. Cuộc trao đổi giữa Phóng viên Tạp chí Thanh tra và Ths. Phạm Thị Thu Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra Chính phủ, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, là cán bộ nữ duy nhất trong 20 cán bộ được Thanh tra Chính phủ luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác trong tháng 10/2023 đã nói lên nhiều điều.
PV: Xin chào Phó Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hiền (PHT), chị có thể cho biết cảm nhận của chị sau thời gian được điều động về công tác tại Trường Cán bộ Thanh tra?
PHT Phạm Thị Thu Hiền: Thực hiện quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi được điều động, bổ nhiệm từ Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện) sang làm Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra (Trường). Về Trường, cảm nhận đầu tiên chính là không khí dân chủ, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên trong công việc cũng như cuộc sống. Nhìn từng khóa học khai giảng, tinh thần học tập nghiêm túc, sôi nổi, rồi bế giảng, nhận chứng chỉ, thấy đâu đó hình ảnh của mình từ những ngày đầu mới vào ngành Thanh tra, công tác tại cơ quan Thanh tra Nhà nước, nay là Thanh tra Chính phủ.
Tại Trường, trong Ban Giám hiệu tôi được phân công giúp Hiệu trưởng phụ trách công tác hành chính, quản trị, kế toán và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ của Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Quản trị - Tài vụ, Trung tâm Tư liệu, Khoa học và Dịch vụ và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Nha Trang.
Trước đây, ở Viện được giao giúp Viện trưởng chỉ đạo các lĩnh vực công tác hành chính - tổng hợp, tổ chức cán bộ, tài chính - quản trị, đồng thời tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, do đó khi được điều động về Trường, tôi bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới, đây cũng là lĩnh vực thú vị, cần được thử sức, cọ xát.
PV: Thay đổi môi trường công tác sau nhiều năm gắn bó, chị có gặp trở ngại, khó khăn gì không?
PHT Phạm Thị Thu Hiền: Quả thực, ban đầu khi biết mình nằm trong danh sách các cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác, bản thân tôi cũng có chút băn khoăn về tư tưởng. Tôi cũng tự hỏi khi thay đổi môi trường sau nhiều năm gắn bó, sang vị trí công tác mới, môi trường mới liệu có kịp làm quen, thích ứng và bắt nhịp để hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao hay không?
Không những vậy, tôi còn có chút tâm lý e ngại là đi làm xa, thời gian di chuyển nhiều nhưng trên hết, bản thân tôi cũng xác định cần nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công, điều động của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Tôi cho rằng đây là nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo về năng lực, phẩm chất, ưu điểm của từng cán bộ, sắp xếp điều chỉnh sao cho mỗi người phát huy được ưu điểm, sở trường để đóng góp chung vào kết quả công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thay đổi để tích cực hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn thì cũng là việc nên làm và cần làm.
Trước đây, khi ở Viện, bên cạnh việc quản lý, quản trị đơn vị thì nhiệm vụ cơ bản, quan trọng là nghiên cứu, đề xuất xây dựng, chiến lược, chính sách phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ. Bây giờ về Trường, nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy là nhiệm vụ chủ đạo. Về cơ bản, nhiệm vụ đảm nhận cũng tương đồng, cùng nằm trong khối sự nghiệp, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, vì vậy mình bắt nhịp ngay với các đồng nghiệp mới, mới mà cũ vì đều trong Thanh tra Chính phủ, để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
PV: Là một trong số 20 cán bộ được điều động, bổ nhiệm, chị nhận định thế nào về chủ trương này của Thanh tra Chính phủ?
PHT Phạm Thị Thu Hiền: Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Thanh tra Chính phủ tiến hành trên diện rộng với số lượng cán bộ được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhiều như vậy. Công tác tổ chức cán bộ được xem là then chốt của then chốt, rất khó, nhiều khâu, nhiều bước, quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng. Thêm việc thay đổi môi trường công tác gắn bó, quen thuộc sau nhiều năm thì ít nhiều cũng có trở ngại về tâm lý, tình cảm… của cán bộ, công chức.
Tổng Thanh tra Chính phủ nói, đây là vấn đề khó, nhưng không thể không làm, cần đoàn kết, quyết tâm để thực hiện, “phải phá được băng”, đánh tan được tâm lý ngại luân chuyển, ngại thay đổi, muốn làm tại một vị trí cho đến khi nghỉ hưu.
Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác lần này được thực hiện theo quy định của Đảng và Nhà nước, nhất là Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác là cấp thiết, cần tiên phong, gương mẫu, đi đầu, phải thực hiện để “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác lần này được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, các bước được thực hiện theo Kế hoạch số 766/KH-TTCP ngày 20/3/2023 của Thanh tra Chính phủ. Kế hoạch nêu rõ phạm vi, đối tượng, thẩm quyền, thời gian chuyển đổi, điều động vị trí công tác cũng như tỷ lệ thực hiện chuyển đổi, điều động.
Trình tự, thủ tục được tiến hành đầy đủ qua các bước như: (1) Đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự, luân chuyển; (2) Căn cứ vào chủ trương của Ban cán sự đảng, Vụ Tổ chức Cán bộ thực hiện các thủ tục liên quan; (3) Lấy ý kiến Ban Thường vụ về nhân sự dự kiến luân chuyển; (4) Thẩm định hồ sơ, tổng hợp kết quả báo cáo cấp có thẩm quyền; (5) Ban cán sự có nghị quyết và Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định - rất chặt chẽ và khoa học!
Hơn lúc nào hết, các cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cần gương mẫu, tiên phong, thực hiện quyết định của cấp trên; đây là chủ trương đúng đắn và là sự ghi nhận và đánh giá chính xác, khách quan, công bằng, tất cả vì việc chung, vì hiệu quả công tác của Ban cán sự, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, do đó chúng ta cần phát huy những thành tích, kết quả tích cực tại đơn vị cũ, tiếp tục phát huy sự đoàn kết thống nhất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại đơn vị mới để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đóng góp vào thành tích, kết quả chung của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
PV: Là cán bộ nhiều năm giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, chị nhìn nhận thế nào về công tác tổ chức cán bộ hiện nay?
PHT Phạm Thị Thu Hiền: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Mỗi khâu có vai trò quan trọng khác nhau, trong đó, công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chúng ta đều thấy rằng, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, vừa “mở”, vừa “động”, có vào có ra, có lên có xuống, sắp xếp sao cho phù hợp, hiệu quả, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, sở trường công tác của mỗi cán bộ, công chức; bảo đảm tạo môi trường phù hợp nhất cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện, tất cả vì lợi ích chung, vì hiệu quả công tác, vì sự ổn định, phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Những điều này thể hiện rất rõ trong đợt luân chuyển, điều động, bổ nhiệm chuyển đổi vừa qua của Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện đã tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, tạo điều kiện cho cán bộ thích ứng với vị trí công tác mới, phát huy được năng lực sở trường và bổ khuyết những kiến thức, kỹ năng mới, rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện.
Đặc biệt, liên quan đến công tác nhạy cảm này, dù khó, dù phức tạp, dù ít nhiều gặp phải tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ, công chức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, tất cả vì lợi ích chung, Thanh tra Chính phủ đã làm được, đúng như yêu cầu của Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, phải thực hiện khách quan, công tâm, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng.
PV: Chị có thể chia sẻ đôi chút về kế hoạch, dự định sắp tới trên cương vị mới vừa được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tin tưởng, giao phó?
PHT Phạm Thị Thu Hiền: Trên tinh thần tất cả vì công việc chung, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Cán bộ Thanh tra sẽ đoàn kết, thống nhất, không ngừng nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm lớn nhất, mạnh nhất để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Tổng Thanh tra Chính phủ giao phó.
Anh chị em chúng tôi tâm niệm rằng, để không nhàm chán, hạn chế sức ỳ, luôn có khát vọng, hứng khởi, nâng cao hiệu quả công việc, chúng tôi sẽ làm mới các động lực cũ, tìm kiếm các động lực mới, xác định nghiên cứu, giảng dạy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực để đưa Nhà trường phát triển lên một tầm cao mới.
Đáng chú ý, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, thì Trường cũng sẽ tổ chức thực hiện chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại Kế hoạch 633/KH-TTCP ngày 27/02/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo đó Nhà trường sẽ định hướng, đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp với các địa phương và bộ, ngành để tập huấn, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực;.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ đoàn kết, thống nhất trong tập thể, có đoàn kết là có tất cả - chúng tôi luôn tâm niệm như vậy!
PV: Trân trọng cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với Tạp chí Thanh tra!