Từ ngày 17 đến 26/12/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kiểm tra 11 trường học trên địa bàn thành phố Hạ Long và Cẩm Phả có sử dụng thiết bị âm thanh không dây có dấu hiệu vi phạm quy định về tần số vô tuyến điện tại Thông tư 08 ngày 14/10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.
|
|
Đoàn Kiểm tra đến kiểm tra trực tiếp đơn vị |
Theo quy định tại Phụ lục số 08, Thông tư 08, tần số của các thiết bị âm thanh không dây sử dụng phải thỏa mãn điều kiện kỹ thuật và khai thác, yêu cầu sử dụng trong khoảng băng tần số, từ 40MHz đến 694MHz.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra 11/11 trường học cho thấy, hầu hết các thiết bị sử dụng, đều có tần số vô tuyến hoạt động trong dải tần số từ 700MHz đến hơn 800MHz. Cụ thể:
(1) Thiết bị trợ giảng: APORO T20 hoạt động ở tần số 766 MHz; thiết bị AKER MR2500 (tần số 718MHz), thiết bị APORO T30 (tần số 727MHz), thiết bị UNIZONE (tần số 727MHz), thiết bị SHIDU SD-S611 (tần số 701MHz)…
(2) Thiết bị Mic hội nghị, loa kéo: SHURE UGX-9, hoạt động ở tần số 751MHz; thiết bị PRO ASIA ELECTRONIC, hoạt động ở tần số 718MHz, 786MHz; …
|
|
Hình ảnh Mic trợ giảng vi phạm
|
Căn cứ báo cáo kiểm soát tần số, Đoàn Kiểm tra đã tiến hành làm việc với 11/11 trường học, kết quả kiểm tra cho thấy 11/11 Trường học đều sử dụng đủ các thiết bị không dây, gồm: Mic trợ giảng, Mic hội nghị, Mic loa kéo không đáp ứng quy định.
Đoàn Kiểm tra đã thực hiện đo kiểm tần số của các thiết bị, phân loại thiết bị đáp ứng tần số quy định và thiết bị không đáp ứng quy định.
Đối với thiết bị đáp ứng về tần số theo Phụ lục số 08 sẽ được tiếp tục sử dụng, còn các thiết bị có tần số vi phạm, không đảm bảo theo quy định tại Phụ lục số 08, Đoàn kiểm tra yêu cầu các trường học thu lại thiết bị để niêm phong thực hiện tiêu hủy theo quy định.
|
|
Hình ảnh đo tần số tại các thiết bị |
Việc kiểm tra 11/11 trường học đợt này nhằm mục đích hướng dẫn, tuyên truyền, phố biến và quán triệt là chính, giúp các Trường học thực hiện đảm bảo các tần số quy định tại Phụ lục số 08, Thông tư 08 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời không làm ảnh hưởng nhiễu Băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT "đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông, tác động tích cực đến xã hội", khi các mạng như 4G, 5G có thể được phát triển, phủ rộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.
Cụ thể, gồm: Khối băng tần B1-B1’ (703-713 MHz và 758-768 MHz), khối B2-B2’ (713-723 MHz và 768-778 MHz), khối B3-B3’ (723-733 MHz và 778-788 MHz) mới được Bộ Thông tin và Truyền thông định giá hơn 2000 tỷ đồng.
Trong đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã lập 11 biên bản kiểm tra (Trường Tiểu học, THCS và THPT Lê Thánh Tông; Trường Tiểu học – THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường THPT Bãi Cháy; Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Cẩm Phả; Trường THCS Cẩm Sơn; Trường THPT Lương Thế Vinh; Trường THCS Bãi Cháy; Trường tiểu học Võ Thị Sáu …), ghi nhận hiện trạng sử dụng và yêu cầu các trường có cam kết với cơ quan chức năng thực hiện việc rà soát đối với các thiết bị âm thanh không dây để tránh trường hợp cơ quan chức năng lại phát hiện việc sử dụng thiết bị âm thanh không đúng quy định sẽ bị xử lý vi phạm.
Đoàn kiểm tra đã lập 01 biên bản vi phạm hành chính đối với Trường Tiểu học Võ Thị Sáu về hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện (loại thiết bị âm thanh không dây) được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác quy định tại Khoản 1 Điều 64 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ) với số tiền là 800.000 đồng.
|
|
Hình ảnh Mic không dây vi phạm |
Thời gian tới đây, băng tần 700MHz được các nhà mạng thông tin di động (Doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Vietel, Mobifone…) thực hiện đấu giá, triển khai dịch vụ trên đó, thì việc sử dụng thiết bị âm thanh không dây sẽ bị xử lý, xử phạt với hành vi gây nhiễu, mức tiền phạt áp dụng lên tới 3.000.000 đồng (quy định tại Khoản 2 Điều 71 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Nguyên nhân chính của các hành vi vi phạm trên là do các tổ chức, cá nhân chưa nắm rõ về Luật Tần số vô tuyến điện và đặc biệt là Thông tư số 08.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được sâu rộng, chưa được các cơ quan báo chí phản ánh nhiều về hành vi vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Việc sử dụng tần số không đúng quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tần số đã được cấp phép, có nguy cơ gây nhiễu sóng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số hợp pháp, đặc biệt đối với các nhà mạng thông tin di động, các mạng thông tin vô tuyến điện của cơ quan quốc phòng, an ninh./.