Thanh tra tỉnh Đồng Nai:

Kiến nghị xử lý hành chính 4 tổ chức và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 22 cá nhân

Thứ hai, 16/01/2023 06:17
(ThanhtraVietnam) – Thanh tra tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo kết quả công tác thanh tra năm 2022, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023.

Thanh tra chuyên ngành xử phạt vi phạm hành chính hơn 38 tỷ đồng

Cụ thể, theo Thanh tra tỉnh, trong năm 2022, về thanh tra hành chính toàn ngành đã triển khai 97 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực (kỳ trước chuyển sang 13 cuộc, triển khai mới 84 cuộc). Trong đó, có 66 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 31 cuộc thanh tra đột xuất.

Trong kỳ, ngành Thanh tra đã đã ban hành 62 kết luận thanh tra tại 183 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với số tiền 1.324,27 triệu đồng. Kiến nghị xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước 1.118,84 triệu đồng và xử lý khác 205,43 triệu đồng.

Về xử lý trách nhiệm, đã kiến nghị xử lý hành chính 04 tổ chức, 22 cá nhân kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 05 vụ.

Ngành Thanh tra đã theo dõi, đôn đốc việc thực hiện 75 kết luận thanh tra; trong đó có 41 kết luận được kiểm tra trực tiếp. Hiện đã hoàn thành 54 kết luận, tiếp tục theo dõi 21 kết luận chưa hoàn thành. Kết quả thực hiện các kiến nghị, đã thu hồi về ngân sách nhà nước 2.134,84 triệu đồng/21.279,13 triệu đồng, tiếp tục theo dõi đôn đốc thu hồi số tiền 19.144,29 triệu đồng; đã xử lý khác về kinh tế 28,50 triệu đồng/233,93 triệu đồng. Đã hoàn thành xử lý trách nhiệm hành chính 32 tổ chức/35 tổ chức, 122 cá nhân/128 cá nhân, tiếp tục theo dõi việc xử lý hành chính 03 tổ chức và 02 cá nhân. Tiếp tục theo dõi 06 vụ việc chuyển cơ quan điều tra.

leftcenterrightdel
Hội sơ kết của Thanh tra tỉnh Đồng Nai (Ảnh: ĐT) 

Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong năm 2022, toàn ngành đã triển khai 2.039 cuộc (kỳ trước chuyển qua: 735 cuộc, triển khai mới 1.304), trong đó 1.269 cuộc thường xuyên, 637 cuộc kế hoạch, 133 cuộc đột xuất. Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu bao gồm: Công thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và đào tạo, Kế hoạch và đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa thể thao và du lịch, Y tế.

Kết quả thanh tra, kiểm tra: đã phát hiện 660 tổ chức, cá nhân vi phạm; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 1.246,5 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 131 triệu đồng. Đồng thời, ban hành 1.816 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 38.251,11 triệu đồng .

Theo đánh giá chung của Thanh tra tỉnh, trong năm 2022, các đơn vị đều lên kế hoạch thanh tra tương đối chi tiết và sát với thực tế. Các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành được triển khai đảm bảo theo kế hoạch, nội dung thanh tra. Chất lượng công tác thanh tra ngày được nâng cao, các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành, các đơn vị cũng đã kiểm điểm những sai phạm, thiếu sót của cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn trong thời gian qua, đó là: Một số đơn vị phát sinh các nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên, nên phải tập trung nhân lực triển khai thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Do đó, một số đơn vị có sự điều chỉnh kế hoạch công tác thanh tra năm 2022 và một số cuộc thanh tra bị kéo dài thời gian hơn dự kiến.

Kết luận thanh tra, kiểm tra phải chính xác, bảo đảm tính khả thi cao

Từ những kết quả trên, Thanh tra tỉnh cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là: Triển khai thực hiện các cuộc thanh tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên; trong đó, tập trung thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực sau: Thực hiện thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các sở, ngành và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng; như: Công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng. Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tập trung, thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được cấp sở, ngành và UBND cấp huyện đã kết luận nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật.

Thanh tra tỉnh cũng đề ra giải pháp cụ thể, đó là: Trên cơ sở xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra của các sở, ngành, địa phương; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, để không xảy ra trùng lắp, chồng chéo.

Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra. Cần nắm rõ thông tin về nội dung thanh tra; tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của cuộc thanh tra; khảo sát xây dựng đề cương phải đầy đủ từ đó có thể xác định được trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải lấy pháp luật làm căn cứ để đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời phải có quan điểm lịch sử cụ thể, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương mà đánh giá đúng mức tính hợp lý trong hoạt động của đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Kết luận thanh tra, kiểm tra phải thật cụ thể, chính xác, bảo đảm cả tính hợp pháp, hợp lý và có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, trưởng đoàn thanh tra cần chủ động bao quát, nghiệm thu kết quả đối với thành viên Đoàn thanh tra ngay trong thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra cần dành nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra trước khi kết thúc thanh tra. Từ đó tạo ý kiến thống nhất, đồng thuận giữa các thành viên Đoàn thanh tra, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, kéo dài thời gian thanh tra và thời gian dự thảo kết luận thanh tra.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra