Một số hạn chế trong thực hiện trách nhiệm công vụ tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam

Thứ ba, 11/06/2024 16:23
(ThanhtraVietNam) - Việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ trong giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được chú trọng, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và cắt giảm thời gian giải quyết trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư. Các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai được ban hành kịp thời, nhằm đảm bảo sự hài lòng của tổ chức và cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ công chức và các phòng, ban có thẩm quyền giải quyết TTHC.

Công chức đủ tiêu chuẩn được bố trí làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Điều này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo việc giải quyết TTHC được kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, khách quan, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Dangcongsan.vn)

Việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa Hệ thống Dịch vụ công của lĩnh vực đường bộ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được thực hiện. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và một số dịch vụ công trực tuyến (DVC) trên hệ thống phần mềm chuyên ngành như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu đã được số hóa. Việc giải quyết TTHC cơ bản được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện.

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn trong quá trình giải quyết TTHC, đảm bảo tính liên thông và hiệu quả. Đồng thời, công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát trong tổ chức thực hiện được thực hiện nghiêm túc, chưa phát hiện cán bộ công chức vi phạm các quy định trong giải quyết TTHC, ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở, và không phát sinh chi phí thực hiện TTHC ngoài quy định của pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức của Sở GTVT trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc tham mưu ban hành một số quyết định công bố danh mục TTHC chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc thực hiện các TTHC.

Việc kết nối giữa các hệ thống vẫn chưa đồng bộ đầy đủ trạng thái các bước xử lý hồ sơ. Hệ thống quản lý phương tiện vận tải chưa thực hiện kết nối dữ liệu cấp đổi giấy phép lái xe với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Số hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp và tỷ lệ lưu kho và khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn rất thấp.

Có 43 hồ sơ quá hạn giải quyết do cán bộ chậm kết thúc và chuyển bước, thực hiện chưa đảm bảo quy định tại các khoản liên quan của Nghị định số 61/NĐ-CP. Việc trả lại 02 hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết nhưng không có văn bản hướng dẫn, trả lời người dân, doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo theo quy định.

Tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung tâm Đăng kiểm Hà Nam chưa cập nhật trạng thái hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy định. Việc công khai các TTHC lĩnh vực đăng kiểm tại Trung tâm thiếu danh mục TTHC và chưa công khai nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Tại Kết luận thanh tra số 18/KL-TTr ngày 15/5/2024 về việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức của Sở GTVT trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh Hà Nam chỉ rõ, những tồn tại trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm trước hết thuộc Giám đốc sở, các Phó Giám đốc sở phụ trách lĩnh vực được giao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC, và các phòng, ban chuyên môn trong việc thực hiện giải quyết TTHC. Ngoài ra, có trách nhiệm của cá nhân cán bộ công chức trong thao tác thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức

Nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ công dân, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Nam đề nghị Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, và thúc đẩy công tác CCHC tại đơn vị. Bao gồm việc chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế theo quy định, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC theo các quy định hiện hành như Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP...

Các TTHC đang còn hiệu lực thi hành cần được công khai kịp thời, đầy đủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và cổng thông tin điện tử của Sở. Thông tin giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở cũng cần được cập nhật đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tiến độ xử lý từng hồ sơ trên hệ thống, tránh tình trạng hồ sơ trễ hẹn và đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.

Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC cũng cần được đẩy mạnh. Thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về những hành vi không được làm trong giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/NĐ-CP.

Mặt khác, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, giám sát và đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Định kỳ hằng tháng, tổng hợp kết quả giải quyết TTHC, công khai danh sách cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực để xử lý kịp thời. Sở Nội vụ cần tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời công tác CCHC và thực thi công vụ. Sở Thông tin và Truyền thông cần rà soát và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

 

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra