Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I:

Nhiều thiếu sót trong công tác kiểm dịch thực vật

Thứ hai, 29/07/2024 23:00
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác kiểm dịch thực vật và việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN 

Cụ thể, tại Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr ngày 24/7/2024, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận Chi cục Kiểm dịch thực vật (KDTV) Vùng I  (có địa chỉ tại TP. Hải Phòng) thực hiện các thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa, đúng thẩm quyền theo quy định.

Chi cục lập Tờ khai phí hàng tháng; Báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu phí, lệ phí hàng quý; Tờ khai quyết toán năm theo quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; lập Báo cáo quyết toán theo quy định. Mẫu biểu được lập đầy đủ, phản ánh rõ ràng các nguồn kinh phí trong năm;

Chi cục KDTV Vùng I cơ bản tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục lập dự toán, thủ tục về kê khai phí, lệ phí. Các khoản chi cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận Chi cục KDTV Vùng I còn một số tồn tại, thiếu sót.

Chi cục trưởng Chi cục KDTV Vùng I chịu trách nhiệm trong việc không ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức trực thuộc

Liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chi cục KDTV Vùng I đã không ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức trực thuộc Chi cục theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định số 1944/QĐ-BVTV-VP ngày 21/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục KDTV Vùng I. Trách nhiệm này được Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thuộc về Chi cục trưởng Chi cục KDTV Vùng I.

Công tác giải quyết thủ tục hành chính và cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu

Liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính, trong thời kỳ thanh tra, tại một số hồ sơ của Chi cục KDTV Vùng I có tình trạng: Tên vật thể trên Giấy chứng nhận KDTV nhập khẩu khác trên Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu vật thể thuộc diện kiểm dịch.

Đáng chú ý, tại Chi cục KDTV Vùng I, một số Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu vật thể thuộc diện kiểm dịch bị tẩy xóa khối lượng mẫu lưu và sửa chữa ngày;

Một công chức lấy mẫu và bàn giao mẫu nhưng chữ ký khác nhau; Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu vật thể không có chữ ký của đại diện chủ vật thể; Cùng một người đại diện chủ vật thể nhưng chữ ký khác nhau trong các Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu;

Hồ sơ thiếu Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu vật thể nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận KDTV (chỉ có chữ viết tay của cán bộ của Chi cục: "Chưa phát hiện sinh vật gây hại" tại mặt sau của Giấy đăng ký KDTV);

Chi cục KDTV Vùng I còn cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu trước ngày lập Biên bản kiểm dịch và lấy mẫu vật thể.

Trách nhiệm này trực tiếp thuộc về Lãnh đạo Chi cục KDTV Vùng I, Lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc và các cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm có liên quan thuộc về Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật phụ trách công tác KDTV.

Thiếu sót trong việc lưu, bảo quản mẫu lưu

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-175:2014/BNNPTNT về quy trình lưu giữ, bảo quản và vận chuyển mẫu trong công tác KDTV ở Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 16/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác lưu, bảo quản mẫu lưu của Chi cục KDTV Vùng I có các thiếu sót như: Chưa thực hiện việc bảo quản mẫu vật thể là các loại hạt, quả sấy khô trong hộp nhựa có nắp lưới và sử dụng hóa chất ngăn côn trùng; Không kiểm tra định kỳ sinh vật gây hại đối với các mẫu lưu theo quy định.

Trách nhiệm này thuộc về Lãnh đạo Chi cục KDTV Vùng I trong công tác quản lý và các cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lưu, bảo quản mẫu lưu trong công tác KDTV.

Cũng tại Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ trách nhiệm đối với nội dung giao và chỉ dự toán may sắm trang phục cho lao động hợp đồng chưa đúng đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức KDTV thuộc về Lãnh đạo Cục BVTV phụ trách công tác tài chính, Kế toán trưởng Cục BVTV và Lãnh đạo, Phụ trách kế toán các Chi cục KDTV Vùng.

Trách nhiệm đối với việc không thực hiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các khoản mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chỉnh quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc về Lãnh đạo và Phụ trách Kế toán các Chi cục KDTV Vùng I.

Trách nhiệm đối với việc không thực hiện đúng quy trình chỉ định thầu theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính trong việc in mẫu biểu tại Chi cục KDTV Vùng I; may trang phục thuộc về Lãnh đạo và Phụ trách Kế toán các Chi cục KDTV Vùng I.

Từ ngày 09/10/2023 đến ngày 07/12/2023, Đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra tại Cục BVTV; kiểm tra, xác minh tại 05 chi cục Vùng và 04 Trung tâm trực thuộc Cục BVTV, gồm: Chi cục KDTV Vùng I; Chi cục KDTV Vùng II; Chi cục KDTV Vùng V; Chi cục KDTV Vùng VII; Chi cục KDTV Vùng VIII; Trung tâm KDTV sau nhập khẩu I; Trung tâm KDTV sau nhập khẩu II; Trung tâm Giám định KDTV; Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2022 đến thời điểm thanh tra (9/10/2023)

Các nội dung thanh tra gồm:

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 05 nội dung cụ thể sau:

+ Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;

+ Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn;

+ Việc xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

+ Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng;

+ Việc kiểm soát xung đột lợi ích theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng bộ.

- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác KDTV, gồm 03 nội dung cụ thể sau:

+ Việc thực hiện chức năng tham mưu, chỉ đạo điều hành; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật về KDTV;

+ Việc thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trong công tác KDTV (gồm các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công lĩnh vực KDTV tại Cục và một số đơn vị trực thuộc);

+ Việc thực hiện các quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động KDTV. 

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra