Không được tham gia đoàn thanh tra khi có người nhà đứng đầu đơn vị là đối tượng thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành với nhiều quy định mới so với Luật Thanh tra năm 2010 trước đây. Điển hình là việc thành lập thanh tra cấp tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra; quy định về việc ban hành kết luận thanh tra… Do vậy, việc xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 là hết sức cần thiết.
Tại dự thảo lần 1, TTCP đề xuất quy định những việc mà thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm, cụ thể:
Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022; tiến hành thanh tra khi không có quyết định thanh tra, sử dụng quyền thanh tra khi không có có quyết định thanh tra; thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để bao che cho đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan…
Dự thảo cũng đề xuất quy định các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra, gồm: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra…
Bên cạnh đó, người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra thì không được làm Trưởng đoàn thanh tra.
Đặc biệt, Dự thảo còn nêu rõ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.
|
|
Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập các nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022 (Ảnh: QA) |
Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn
Dự thảo nghị định đề xuất quy định kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai. Người ký kết luận thanh tra quyết định những nội dung trong kết luận thanh tra không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.
Hình thức công khai kết luận thanh tra là công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Thanh tra lại nếu có dấu hiệu vi phạm
Tổng TTCP quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đó, cuộc thanh tra sẽ được thanh tra lại trong trường hợp phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục dẫn đến sai lệch nội dung kết luận thanh tra; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ, hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện; người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc; phát hiện có dấu hiệu vi phạm của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra…
Dự thảo nghị định cũng quy định cụ thể về quyết định thanh tra lại, nhiệm vụ, quyền hạn va fthẩm quyền của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra.
Tổng Thanh tra có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc thanh tra tỉnh.
Chánh thanh tra bộ có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, cục, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ đã có kết luận của thanh tra sở.
Chánh thanh tra tỉnh có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của thanh tra sở, thanh tra huyện.
Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định rõ kết luận thanh tra lại có hiệu lực thi hành và thay thế cho phần nội dung của kết luận thanh tra trước đó. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra lại./.
Thời hạn thanh tra lại:
Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 45 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 30 ngày.
|