Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu

Thứ sáu, 17/03/2023 14:57
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thanh tra tỉnh; xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của tỉnh, nhu cầu đổi mới của đất nước, Thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức

Theo đó, mục đích xây dựng đội ngũ công chức, nhất là công chức chủ chốt có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng công chức phù hợp và đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, gắn với công tác quy hoạch; cân đối giữa đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, phân công nhiệm vụ sau đào tạo hợp lý; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, người có nhiều việc, người không có việc làm.

Phát huy tinh thần trách nhiệm của công chức đối với nhiệm vụ được giao; nâng cao trách nhiệm của công chức trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phấn đấu năm 2030, 100% Trưởng, Phó phòng được đào tạo trung cấp lý luận chính trị trở lên (Ảnh: ĐT) 

Phấn đấu đến năm 2025, 100% Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương được đào tạo, bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị trở lên, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, nghiệp vụ thanh tra viên chính, kiến thức an ninh - quốc phòng đối tượng III, trong đó 100% công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm, 70% công chức thuộc nguồn quy hoạch công chức lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng; Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh và 70% công chức thuộc nguồn quy hoạch lãnh đạo được đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính trở lên, nghiệp vụ thanh tra viên chính trở lên, kiến thức an ninh - quốc phòng đối tượng II; 100% công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó có 11 thạc sĩ; 82,5% công chức được đào tạo lý luận chính trị: 19 cử nhân, cao cấp, 14 trung cấp; 100% công chức được bồi dưỡng quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm: 05 ngạch chuyên viên cao cấp, 30 ngạch chuyên viên chính, 05 ngạch chuyên viên; 100% được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra: 02 nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp, 32 nghiệp vụ thanh tra viên chính, 06 nghiệp vụ thanh tra viên.

Đến năm 2030, 100% Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương được đào tạo, bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị trở lên, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, nghiệp vụ thanh tra viên chính, kiến thức an ninh – quốc phòng đối tượng III, trong đó 100% công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm, 80% công chức thuộc nguồn quy hoạch công chức lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng; Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh và 80% công chức thuộc nguồn quy hoạch lãnh đạo được đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính trở lên, nghiệp vụ thanh tra viên chính trở lên, kiến thức an ninh – quốc phòng đối tượng II; 100% công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó có 13 thạc sĩ; 90% công chức được đào tạo lý luận chính trị: 21 cử nhân, cao cấp, 15 trung cấp; 100% công chức được bồi dưỡng quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm: 05 ngạch chuyên viên cao cấp, 30 ngạch chuyên viên chính, 05 ngạch chuyên viên; 100% được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra: 02 nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp, 34 nghiệp vụ thanh tra viên chính, 04 nghiệp vụ thanh tra viên; 100% công chức có trình độ tin học, trình độ ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ

Để thực hiện hoàn thành kế hoạch, cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển và nâng cao nguồn nhân lực. Nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ công chức ngang tầm để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Kịp thời cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ; xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và luân chuyển công chức; nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng công chức hằng năm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.

Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu về chủ trương khuyến khích, bảo vệ công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.

Tăng cường xây dựng Đảng, cơ quan trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các quy định về nêu gương trong công chức, đảng viên.

Tập trung xây dựng đội ngũ công chức, nhất là người đứng đầu và công chức lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính năng động, sáng tạo, sự gương mẫu và tinh thần vì Nhân dân phục vụ. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh việc luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, quản lý, bố trí, sử dụng công chức đúng năng lực, sở trường; mạnh dạn thay thế những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, nói không đi đôi với làm và uy tín thấp. Quan tâm sắp xếp công chức theo vị trí việc làm đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

Thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhất là các lĩnh vực đang thiếu; quan tâm tạo nguồn công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp công chức kế cận.

Quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm việc”, “Làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và năng lực thực tiễn cho đội ngũ công chức, góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, cụ thể như sau:

Đào tạo trình độ sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) cho công chức ở các chuyên ngành, lĩnh vực như: Luật, quản lý kinh tế, quản lý đất đai, môi trường... phù hợp với vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời gắn với quy hoạch và sử dụng công chức.

Bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho công chức lãnh đạo, quản lý và các chức danh quy hoạch công chức lãnh đạo, quản lý.

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; kiến thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; kiến thức pháp luật, văn hóa công sở, nâng cao ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh theo các chương trình.

Cập nhật và nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế.

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao cho công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, đủ khả năng làm việc trong môi trường kinh tế số, xã hội số và phục vụ yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực đảm bảo sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ bậc 5 (E1) hoặc tương đương cho công chức lãnh đạo, quản lý có đủ khả năng giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế.

Tăng cường, nâng cao chất lượng hồ sơ thi tuyển, xét tuyển công chức theo chỉ tiêu biên chế được giao và đúng các quy định, gắn với vị trí việc làm và cơ cấu hợp lý thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, đảm bảo tuyển công chức phải đạt chuẩn, có kinh nghiệm, trình độ cao đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đổi mới quy trình, phương pháp và nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại công chức định kỳ đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch, đúng quy định; căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với vị trí việc làm và thông qua công việc, sản phẩm cụ thể để đánh giá, xếp loại đúng thực chất.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra