Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra:

Phê duyệt nghiên cứu 6 đề tài khoa học cơ sở năm 2024

Thứ sáu, 10/11/2023 13:50
(ThanhtraVietNam) - Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) đã tổ chức phê duyệt nghiên cứu 6 đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024.

Kiểm soát trước và sau thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực

Đề tài “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực” do bà Đào Thị Hà, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Theo bà Hà, để tiến hành một cuộc thanh tra thì việc kiểm soát nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đối với giai đoạn “trước thanh tra” và “sau thanh tra” là một yêu cầu cần thiết.

“Trước thanh tra” bao gồm các hoạt động xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; khảo sát, thu thập thông tin; chuẩn bị cho quá trình thanh tra. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý quy định cho giai đoạn này và thực tiễn triển khai hiện nay lại chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, còn thiếu logic, chặt chẽ.

Giai đoạn “sau thanh tra” cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực dưới nhiều biểu hiện khác nhau. Việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở nhiều cơ quan thanh tra chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách nhà nước. Thêm vào đó, việc ban hành, công khai kết luận thanh tra, quy định công khai kết luận thanh tra chưa phù hợp với nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành.

leftcenterrightdel
 Đào Thị Hà, Viện CL&KHTT báo cáo tại Hội  nghị. Ảnh: L.A

Có thể nói, giai đoạn “trước thanh tra” và “sau thanh tra” là hai giai đoạn dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực nhất. Điều này khiến cho việc thi hành chính sách, pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ lỏng lẻo, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng... và cuối cùng sẽ dẫn đến bộ máy hành chính nhà nước sẽ bị suy yếu, uy tín sẽ bị giảm sút và chính sách, pháp luật sẽ không được thực thi một cách triệt để. Vấn đề đặt ra là: làm sao để kiểm soát được các hành vi vi phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra trong hai giai đoạn trước và sau thanh tra, đây  một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật công tác của ngành thanh tra

Đề tài “Bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra - Thực trạng và giải pháp” do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (TTCP) làm chủ nhiệm.

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, từ khi Luật Bảo vệ nhà nước (2018), Luật Thanh tra đã được ban hành đến nay, TTCP chưa có quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu mật, quá trình triển khai thực hiện các quy định đến nay bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số thông tin, tài liệu được quy định trong danh mục bí mật nhà nước chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra; ngành Thanh tra nói chung và cơ quan TTCP nói riêng chưa có văn bản nào quy định về danh mục bí mật công tác của ngành Thanh tra. Trong khi đó, Bộ Luật hình sự lại có một số tội quy định về làm lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: L.A

Bên cạnh đó, TTCP và ngành Thanh tra chưa có các quy định cụ thể về việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng các tài liệu bí mật nhà nước. Hành lang pháp lý cho việc bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Thanh tra chưa được bảo đảm.

Ngoài ra, thực tiễn hoạt động của các cơ quan thanh tra rất cần làm rõ những thông tin, tài liệu nào là bí mật nhà nước, những gì là bí mật công tác để có các biện pháp bảo vệ cho phù hợp với tính chất của các thông tin, tài liệu.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: L.A 

Từ những lý do đó, việc nghiên cứu đề tài “Bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật công tác ngành thanh tra - Thực trạng và giải pháp” để làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn hiện nay liên quan đến bí mật nhà nước và bí mật công tác ngành Thanh tra. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước cũng như bí mật công tác của ngành thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng

Đề tài “Nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong phòng, chống tham nhũng” do Ths. Nguyên Phương Vy, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Trình bày lý do chọn đề tài, Ths. Nguyễn Phương Vy cho biết, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện được thể hiện ở hai góc độ: ở góc độ trực tiếp, Luật PCTN 2018 đã phân chia thẩm quyền, trách nhiệm giữa TTCP và Thanh tra tỉnh trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị - được xem là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Ở góc độ gián tiếp, việc xây dựng các quy định và quá trình tổ chức thực hiện quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác PCTN, đặc biệt ở cấp địa phương.

Việc thành lập các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trên cơ sở Quy định 67-QĐ/TW ngày 02/06/2022 đã bước đầu tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong công tác PCTNTC tại địa phương, khắc phục tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” tồn tại trong giai đoạn trước đây. Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, PCTNTC tại địa phương, nhiều vấn đề tiếp tục cần được nghiên cứu để hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó có việc phát huy tốt hơn nữa chức năng PCTNTC của các cơ quan thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.

Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN

Đề tài “Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN - thực trạng và giải pháp” do Ths. Nguyễn Đăng Hạnh, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Theo Ths. Nguyễn Đăng Hạnh, trong những năm qua, việc phát hiện và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về PCTN đã có những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác xử lý người có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.

Có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tuy nhiên công tác xử lý vi phạm chủ yếu tập trung vào xử lý hành vi tham nhũng; Luật PCTN mới chỉ quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN phải được xử lý, chưa quy định cụ thể về các hình thức, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. Việc áp dụng hình thức, chế tài xử lý mới chỉ được Luật PCTN dẫn chiếu sang các quy định khác của pháp luật như pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà chưa có quy định cụ thể cho các vấn đề này. Dẫn đến, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN được thực hiện bởi các Luật chuyên ngành khác dẫn đến việc xử lý các hành vi vi phạm còn lúng túng và hạn chế.

Người có hành vi vi phạm pháp luật về PCTN đa số là những cán bộ, công chức, viên chức người có trình độ được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực và sự hiểu biết nhất định, do đó việc che dấu, bao che các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN sẽ được thực hiện một cách tinh vi hơn gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTN là xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN. Điều đó đòi hỏi phải nghiên cứu quy định của pháp luật cũng như thực tiễn xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN để có giải pháp đảm bảo xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài " Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN - thực trạng và giải pháp " là cần thiết.

Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đề tài “Tạm đình chỉ, đình chỉ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC)” do Ths. Vũ Đức Hoan, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KN, cho đến tận Luật KN 2011, vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KN vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các nhà làm luật, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết KN.

Mặc dù Luật KN đã có quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại (Điều 10) nhưng mới chỉ đưa ra 1 trường hợp duy nhất, do đó thực tiễn thi hành đã phát sinh các tình huống mà luật chưa dự liệu, khiến công tác giải quyết khiếu nại gặp những khó khăn nhất định.

leftcenterrightdel
ThS Vũ Đức Hoan, Viện CL&KHTT báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: L.A 

Cùng với đó, Luật TC 2011 không có quy định vấn đề tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết TC.

Trong giải quyết các vụ việc KNTC đình chỉ và tạm đình chỉ có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, giúp xử lý được những vấn đề đang đặt ra mà hiện tại chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý trực tiếp để điều chỉnh. Do đó, việc nghiên cứu để xác lập cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết KNTC là rất cần thiết.

Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo

Đề tài “Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người TC và người bị TC - Thực trạng và giải pháp” do Ths Lê Đức Trung, Trưởng phòng, Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Theo Ths Lê Đức Trung, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người TC và người bị TC trong Luật TC 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, hạn chế như: chủ thể TC bị giới hạn là cá nhân mà chưa mở rộng chủ thể TC là pháp nhân nên ảnh hưởng đến quyền các tổ chức, doanh nghiệp; quy định về quyền của người tố cáo chưa đầy đủ, thiếu cơ chế tham gia của luật sư vào quá trình giải quyết TC; chế tài xử lý hành vi cố tình TC sai sự thật chưa đủ sức răn đe…

leftcenterrightdel
ThS Lê Đức Trung, Trưởng phòng, Viện CL&KHTT báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: L.A 

Thực tế cho thấy, còn nhiều người TC bị trả thù, trù dập, nhưng chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả; có trường hợp người bị TC chưa được đảm bảo khôi phục vị trí, uy tín, danh dự sau khi có kết luận giải quyết TC; hình thức TC chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền TC của cá nhân; một số cá nhân cố tình TC sai, bịa đặt nhưng chưa được xử lý kịp thời…

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TC, một trong những nội dung quan trọng là cần phải hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người TC và người bị TC.

Tại Hội nghị do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức, Hội đồng tư vấn tuyển chọn đề tài đều đánh giá cao công tác chuẩn bị của các Ban chủ nhiệm đề tài. Các đề tài đều nêu được tính cấp thiết cần nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay.

6 đề tài trên được Hội đồng tư vấn phê duyệt nghiên cứu vào năm 2024 và đề nghị các Ban chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến góp ý để nghiên cứu trong thời gian tới./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra