Thanh tra chấp hành pháp luật về đầu tư:

Phú Thọ làm gì để “tránh gây thất thoát” liên quan số tiền hơn 30 tỷ đồng?

Thứ tư, 05/10/2022 14:58
(ThanhtraVietNam) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức rà soát, xử lý các sai sót liên quan đến tài chính đối với các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo kết luận thanh tra để “tránh gây thất thoát” ngân sách nhà nước, đặc biệt là liên quan đến số tiền hơn 30,58 tỷ đồng.

Sau thanh tra của Bộ KHĐT, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện gì?

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát

Ngày 23/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 tại tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong công tác lập, thẩm định, quyết định chấp thuận đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; nợ xây dựng cơ bản; giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công; khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng, quản lý chất lượng công trình, giám sát đánh giá đầu tư.

Chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong phê duyệt dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thẩm định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận đầu tư.

Xử lý đối với các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, không thực hiện đúng quyết định chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư như: tiến độ góp vốn, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, diện tích đất trồng cây xanh tối thiểu không đáp ứng, đánh giá tác động môi trường không phù hợp.

Tổ chức rà soát, xử lý các sai sót liên quan đến tài chính đối với các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo kết luận thanh tra để tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư đối với các dự án sau khi quyết định chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư...

Đồng thời thu hồi hơn 417 triệu đồng sai sót trong nghiệm thu, thanh toán và bố trí vốn vượt tổng mức đầu tư dự án; giảm trừ khi quyết toán hơn 755 triệu đồng; giảm trừ dự toán hơn 954 triệu đồng.

Đặc biệt, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát từng nội dung được nêu trong Báo cáo kết quả thanh tra số tiền hơn 30,58 tỷ đồng để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh gây thất thoát ngân sách Nhà nước, nếu phải thu hồi thì thu về ngân sách tỉnh.

Riêng 2 dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, đã hết thời gian giải ngân, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài giá trị hơn 2,36 tỷ đồng, đề nghị Phú Thọ hoàn trả ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà UBND tỉnh Phú Thọ ở thành phố Việt Trì. Ảnh: Ngô Tân

Chậm thực hiện kiến nghị xử lý về kinh tế

Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tập trung khắc phục các tồn tại, thiếu sót; thực hiện các kiến nghị về xử lý kinh tế, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo kiến nghị tại Kết luận thanh tra.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án; trình HĐND tỉnh duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Đường giao thông liên vùng kết nối đường tỉnh 321B-QL70B-IC11-Khu Du lịch Ao Giời, Suối Tiên và Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa.

UBND tỉnh và các địa phương chú trọng thực hiện bố trí vốn để ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản. Kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí 1.078 tỷ đồng trả nợ xây dựng cơ bản, trong đó, cấp tỉnh 331 tỷ đồng, cấp huyện 747 tỷ đồng.

Địa phương để xảy ra sai sót trong quá trình phân bổ vốn đã kiểm điểm và thực hiện hoàn trả ngân sách.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật về đầu tư,

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác khoáng sản theo giấy phép, việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng. Từ năm 2021 đến thời điểm báo cáo, đã kiểm tra, rà soát, trình gia hạn sử dụng đất 24 tháng cho 9 dự án chậm tiến độ kèm theo yêu cầu “nếu quá thời hạn dự án chưa đi vào hoạt động sẽ báo cáo UBND tỉnh thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác” để khắc phục tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực, chây ỳ, không thực hiện dự án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, kiểm tra, đôn đốc 2 nhà đầu tư thực hiện nộp đủ 1.634 triệu đồng số tiền trồng rừng thay thế; đôn đốc chủ đầu tư nộp tiền thuê đất hàng năm, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường.

Đến thời điểm 20/6/2022, đã thu hồi giá trị sai sót 417.336.500 đồng (đạt 100% giá trị kiến nghị tại Kết luận thanh tra); giảm trừ sau khi quyết toán số tiền 507,7 triệu đồng (mới đạt 62% số tiền kiến nghị), số tiền còn lại 248 triệu đồng chưa giảm trừ được lý giải là do các dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình duyệt quyết toán. Dự án Xử lý khẩn cấp kè thoát lũ đoạn từ hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập đang lập hồ sơ quyết toán dự án và 2/3 dự án vẫn đang triển khai thực hiện nên kiến nghị giảm trừ dự toán chưa thực hiện được.

Tình hình thực hiện kiến nghị liên quan đến số tiền hàng tỷ đồng nộp về ngân sách (tính đến 20/6/2022):

1. Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp, gia cố đê ngòi Me, Ngòi cỏ, huyện Cẩm Khê (giai đoạn I): Chủ đầu tư đã rà soát, báo cáo kết quả.

2. Đối với dự án xử lý khẩn cấp kè thoát lũ đoạn từ Hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập: Chủ đầu tư đã rà soát, chuyển số tiền theo kiến nghị về ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ, vở song đê hữu Thao, địa phận huyện Hạ Hòa: Chủ đầu tư đã rà soát và đề nghị hướng dẫn quy trình nộp trả ngân sách nhà nước.

Liên quan đến kiến nghị xử lý số tiền ký quỹ để cải tạo môi trường, tiền cấp quyền khai thác, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất trong việc ưu đãi đầu tư chưa phù hợp quy định pháp luật, chưa đúng đối tượng tại Dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng cao lanh - fenspat và mở rộng khu tinh chế, kho chứa nguyên liệu và thành phẩm của Công ty TNHH YFA, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã thu hồi Quyết định số 45/QĐ-CT ngày 4/1/2019 về miễn tiền thuê đất đối với Công ty. Cụ thể, diện tích đất không được miễn tiền thuê đất là 25.327,3 m2, số tiền không được miễn là 352.494.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty YFA chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, dù UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị được thanh tra kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, tuy nhiên, một số nội dung vẫn còn chậm và được giải thích là do “một số cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất các nội dung có sai sót đã luân chuyển công tác, nghỉ chế độ”!?

UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại, thiếu sót nhưng với những gì các cơ quan, đơn vị đã làm, liệu rằng mục đích chấn chỉnh tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn đã được thực hiện đầy đủ và kịp thời chưa?

Nghĩa vụ với ngân sách nhà nước có được các nhà đầu tư thực hiện đúng, đủ không? Các dự án có được triển khai đúng tiến độ và báo cáo đầy đủ không? Những tổ chức, cá nhân nào chậm thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm?

Câu trả lời xin dành cho UBND tỉnh Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân liên quan tới kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư!

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra