Quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị để thanh tra thực sự là “tấm gương cho người ta soi mặt”

Thứ sáu, 12/04/2024 07:39
​(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan thực hiện công tác giám sát, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán nhà nước. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, thực sự trở thành “thanh bảo kiếm” trong công cuộc chống “giặc nội xâm”, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131-QĐ/TW). Đây là một văn bản rất quan trọng mà mỗi cán bộ thanh tra cần nghiên cứu, quán triệt và nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới.
leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960. Ảnh: Tư liệu 

 

I. Kiểm soát quyền lực là yêu cầu tất yếu nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ở nước ta tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Nhân dân trực tiếp thực hiện một số quyền lực nhất định như quyền ứng cử, bầu cử, thực hiện các quyền sống, quyền tự do, dân chủ, quyền học hành, đi lại… và trao cho các cơ quan, tổ chức do Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện cho mình bầu lên để thực hiện quyền lực phục vụ lợi ích của Nhân dân. Nhưng quyền lực thì rất dễ bị tha hóa dẫn đến việc thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc vượt quá quyền hạn được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi cá nhân. Vì vậy, trao quyền lực luôn phải đồng thời với kiểm soát việc thực thi quyền lực. Kiểm soát quyền lực và cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. Kinh nghiệm cho thấy, muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc nói lên rằng cùng với đấu tranh chống tham nhũng thì việc đấu tranh chống hành vi tham nhũng của đội ngũ những người có trọng trách chống tham nhũng là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc gọi là “chống nội quỷ” và đã xử lý hàng loạt quan chức trong cơ quan kỷ luật đảng, cơ quan rất có thế lực trong cuộc chiến chống tham nhũng(1).

Tại Hội nghị ngành Kiểm sát ngày 16/01/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cán bộ làm công tác chống tham nhũng “phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”.

Tham nhũng là hành vi nguy hiểm cao và thường được thực hiện một cách tinh vi bởi kẻ tham nhũng vốn là người có trình độ chuyên môn, có vị trí, địa vị trong xã hội thậm chí còn có các mối quan hệ thân thiết với những người có chức vụ quyền hạn cao trong bộ máy nhà nước. Những đặc điểm đó khiến cho việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng khó khăn hơn rất nhiều so với các đối tượng phạm tội khác. Cũng từ đó mà yêu cầu về những điều kiện cần thiết để đấu tranh với loại tội phạm này phải cao hơn: Tổ chức hay các cá nhân có trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng phải có nhiều quyền hạn hơn, kể cả những quyền hạn đặc biệt; trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp phát hiện và xử lý cần nhanh gọn hơn, mạnh mẽ hơn; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan này cũng phải tinh thông hơn, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với họ cũng phải có sự ưu đãi hơn so với những công chức bình thường. Tuy nhiên quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền và vì thế việc thực hiện quyền lực này cần phải được kiểm soát. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước chính là kiểm soát “cán bộ”: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Thực tế đã chỉ ra rằng: Khi được trao quyền lực thì luôn có nguy cơ bị tha hóa. Có người khi chưa được trao quyền lực thì là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực lại thay đổi bản chất rất nhanh, người đó đã ra dáng “quan cách mạng”, dần trở nên tha hóa, hư hỏng, trở thành người xấu vì lợi ích thấp hèn của cá nhân. Khi được trao quyền lực cũng là lúc bắt đầu đánh mất dần chính bản thân mình, đánh mất bản chất tốt đẹp, chân chính trước đó. Hàng loạt cán bộ, đảng viên trong đó không ít cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, các nhà khoa học tên tuổi… bị xử lý trong thời gian gần đây minh chứng rõ cho điều này.

Nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng còn nhiều hơn khi họ thực hiện các quyền hạn của mình trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Hiện tượng phổ biến nhất xảy ra liên quan đến các vụ việc chạy tội, chạy án của kẻ có hành vi tham nhũng khi bị phát hiện. Cơ quan có chức năng chống tham nhũng là người có quyền phán xét và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ được pháp luật quy định để ngăn chặn, đấu tranh với hành vi tham nhũng. Cơ quan và những người có thẩm quyền trong cơ quan này có quyền nhận định có hay không có hành vi tham nhũng; có quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoặc khẩn cấp đối với người có hành vi tham nhũng hoặc với các tài sản bị nghi ngờ liên quan đến hành vi tham nhũng; có quyền đề nghị xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự người có hành vi tham nhũng… Chính vì vậy mà họ luôn là đối tượng cho những kẻ có hành vi tham nhũng tìm cách chạy chọt khi bị phát hiện. Họ sẽ bị “tấn công” bởi các cám dỗ tiền bạc và những lợi ích vật chất, phi vật chất khác. Nếu không đứng vững và không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, chính họ sẽ trở thành kẻ tham nhũng với hành vi phổ biến là nhận hối lộ dưới các hình thức khác nhau đã và đang diễn ra. Vì vậy, hơn ai hết họ cũng trở thành đối tượng cần được kiểm soát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Quy định 131-QĐ/TW đã giải thích rõ: Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ… để phòng ngừa và phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán nhà nước thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ về vật chất và tinh thần, với những tiêu cực nảy sinh trong quá trình công tác dẫn đến việc sử dụng thẩm quyền không đúng mục đích; lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích”; nhận hối lộ để bao che, giúp đối tượng không bị xử lý hoặc giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật... Quy định 131-QĐ/TW chính là để mỗi cán bộ, đảng viên hoạt động trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán tự soi, tự sửa chính mình, để các cơ quan này thực sự là “thanh bảo kiếm” chống tham nhũng, tiêu cực.

II. Quyền lực của cơ quan thanh tra và yêu cầu kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

Thanh tra là cơ quan được thành lập ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 23/11/1945, chỉ hơn hai tháng sau khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt để giám sát, phát hiện và xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, trong đó có các hành vi tham nhũng. Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ thanh tra đã có nhiều đóng góp đáng tự hào vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Hiện nay các cơ quan thanh tra đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ pháp luật, bảo vệ kỷ cương, kỷ luật quản lý và góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là các công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là trong đấu tranh chống tham nhũng thì cơ quan thanh tra cùng với Kiểm toán nhà nước và các cơ quan nội chính khác chính là những lực lượng trực tiếp đấu tranh với tệ tham nhũng.

Thanh tra có chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, là cơ quan chủ trì soạn thảo và xây dựng các các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đồng thời thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân đã góp phần phát hiện nhanh chóng để xử lý kịp thời rất nhiều vụ tham nhũng lớn.

Để thực hiện trọng trách của mình, các cơ quan thanh tra được pháp luật cho nhiều quyền hạn trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như kết luận xử lý vụ việc và chính việc thực hiện quyền hạn này đã nảy sinh những biểu hiện của việc lợi dụng quyền hạn trao cho mình để phục vụ cho lợi ích cá nhân, thậm chí là trục lợi, nhận hối lộ.

Trên thực tế, hoạt động thanh tra vốn là lĩnh vực “nhạy cảm”, liên quan đến công việc kiểm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước; liên quan đến việc phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, tiêu cực... Vì thế, các kết luận thanh tra, kết luận về nội dung khiếu nại, kết luận về nội dung tố cáo là căn cứ để các cơ quan nhà nước tiến hành xem xét xử lý những người có hành vi vi phạm, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp, có thể quyết định đến sinh mạng chính trị của một cá nhân hay uy tín của một doanh nghiệp, tổ chức.

Quyền hạn của các cơ quan thanh tra khi tiến hành thanh tra chuyên ngành còn trực tiếp hơn là đánh giá tính chất, mức độ vi phạm để tiến hành tịch thu hay không tịch thu số hàng vi phạm, phạt hay không phạt vi phạm hành chính, phạt số tiền là bao nhiêu.

Nếu như tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các cơ quan tư pháp chủ yếu và tập trung vào việc “chạy án”, hay để thoát tội hoặc để được xử phạt mức án nhẹ nhất thì tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra cũng tương tự đó là việc “chạy thanh tra” ở nhiều khâu: Từ việc “chạy” để không bị đưa vào kế hoạch thanh tra đến việc thỏa thuận mặc cả trong quá trình tiến hành thanh tra và đặc biệt là “chạy” khi ra kết luận thanh tra - văn bản quan trọng nhất có ảnh hưởng đến quyết định xử lý sau này. Cần nhớ rằng việc chạy chọt đó không chỉ trực tiếp với người tiến hành thanh tra mà không ít vụ việc là do từ phía những người có chức vụ, quyền hạn thậm chí là vị trí cao trong bộ máy nhà nước, tác động làm thay đổi nội dung của kết luận thanh tra. Vụ việc nhiều cán bộ thanh tra bị truy tố về tội hối lộ với số tiền rất lớn liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát là điển hình về tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thanh tra và cũng là một bài học đau xót, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những cán bộ thanh tra suy thoái, không giữ được mình trước cám dỗ vật chất.

Điều 4 của Quy định 131-QĐ/TW liệt kê và mô tả 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực bị nghiêm cấm trong quá trình giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng và thanh tra, kiểm toán, cụ thể là: “Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng hoặc thanh tra, kiểm toán; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra…” và “lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác”, cũng như việc “để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán”…

Đây cũng là những hành vi tham nhũng, tiêu cực thường xảy ra và đã được đúc kết qua công tác thanh tra mà ngành Thanh tra, mỗi cán bộ thanh tra cần nhận thức đầy đủ trong suy nghĩ và hành động, để mà tự soi, tự sửa, phòng ngừa từ xa, từ sớm để giữ mình liêm chính trong cuộc chiến không tiếng súng mà vô cùng khốc liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng”. Người lý giải: “Thường vì cơ quan, địa phương, bộ phận hay công việc nào có chỗ không đúng, chỗ sai lầm mới cần thanh tra (cũng có khi thanh tra cái tốt, nơi tốt, nhưng thường là như vậy) cho nên phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng. Thí dụ, phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được, phái người lười đi thanh tra công việc người khác thì cũng không được. Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị chính là để thanh tra thực sự là lực lượng đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Thanh tra là “tai mắt của trên, là người bạn của dưới” và mỗi cán bộ thanh tra luôn là “cái gương cho người ta soi mặt”./.

 

Chú thích:

(1) Xem Chiến dịch “Diệt nội quỷ” của Tập Cận Bình http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/267890/ chien -dich-diet-noi-quy-cua-tap-can-binh.html:

(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, H., 2000, tr. 273.

TS. Đinh Văn Minh
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra