Quy chế phối hợp trong thanh tra, giám sát kinh doanh đa cấp tại Quảng Bình

Thứ năm, 09/11/2023 11:28
(ThanhtraVietNam) - Việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/11/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định về quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh, kèm theo đó là Quy chế phối hợp cụ thể.

Thành lập Đoàn công tác liên ngành đối với từng chuyên đề

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm phối hợp trong công tác công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh. Được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Về phương thức phối hợp, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách, cử công chức làm đầu mối gửi về cơ quan đầu mối là Sở Công Thương để tổng hợp.

Khi tiếp nhận đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có tính chất nghiêm trọng, cấp bách, Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giải quyết, xử lý đơn theo quy định hoặc chuyển các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Đối với từng chuyên đề, vụ việc cụ thể cần sự phối hợp của cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để xử lý kịp thời nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể, thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, chủ trì là Sở Công Thương, thành viên là đại diện của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, đoàn thể, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn.

Quy chế quy định rõ nội dung phối hợp, bao gồm: Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, người tham gia kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh; tham mưu, tổ chức thực hiện hoặc đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đối với hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh theo phương thức đa cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh.

Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện kiểm tra lĩnh vực mình quản lý

Theo chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương liên quan trong công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

leftcenterrightdel
Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 20/6/2023. (Ảnh minh họa - Internet) 

Đặc biệt, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, quản lý chất lượng và việc đáp ứng điều kiện kinh doanh sản phẩm đối với các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp thuộc lĩnh vực do cơ quan, đơn vị quản lý. Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch kiểm tra, cử thành viên tham gia Đoàn công tác liên ngành đối với vụ việc chuyên đề.

Cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, người tham gia kinh doanh theo phương thức đa cấp và nguồn gốc, giá cả chất lượng sản phẩm, hàng hoá liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trong trường hợp cơ quan, đơn vị chức năng nhận được phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu xét thấy trong phạm vi thẩm quyền, tiến hành kiểm tra ngay hoặc thông báo đến đơn vị quản lý địa bàn gần nhất tổ chức theo dõi, kiểm tra. Nếu không thuộc thẩm quyền, báo cáo về Sở Công Thương để có phương án xử lý kịp thời.

Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì

Theo Quy chế phối hợp, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thường xuyên, chủ động giám sát hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện vi phạm báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời danh sách doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp; thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương để phục vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn theo quy định.

Công an tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch, thực hiện các chuyên đề về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thường xuyên giám sát, điều tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, bao gồm cả việc xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

“Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với hoạt động quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, cung cấp thông tin về các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng khác của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật”, cũng là nhiệm vụ của Công an tỉnh Quảng Bình.

Ngoài ra, các sở, ngành khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, cùng với việc chủ động phối hợp với các cơ quan trong thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp còn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của UBND cấp xã. Xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng trên địa bàn./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra