UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên):

Sai sót trong bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ ba, 14/11/2023 17:24
(ThanhtraVietNam) - Kết luận thanh tra số 05/KL-UBND của UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ rõ những sai sót trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Krông Trai; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp năm 2006 của UBND huyện Sơn Hòa, thời gian từ năm 2006 - 2020.

Buông lỏng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng

Từ bối cảnh, tình hình thực tế trong công tác quản lý thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Phú Yên kết luận Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai còn có một số sai sót. Đối với Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (từ năm 2006 - 2011), thời gian lập thủ tục quyết toán còn chậm 5 năm so với quy định.

Dự án Đầu tư Phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-UBND, có nội dung cho phép kế thừa các hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán thuộc Chương trình 5 triệu ha rừng đã được phê duyệt trước đó để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Chủ đầu tư không làm thủ tục điều chỉnh tên dự án và các nội dung khác của các hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán nêu trên là không phù hợp với quy định. Trong quá trình thực hiện dự án, Chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục lập và trình thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu theo quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng có thực hiện nhưng chưa hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát cũng như sự phối hợp với các cấp chính quyền địa phương chưa thường xuyên, hoạt động thiếu hiệu quả. Việc giám sát các diễn biến trên địa bàn có lúc chưa kịp thời dẫn đến diện tích rừng giảm, tình trạng người dân lấn chiếm, khai thác, chặt phá rừng trái phép còn diễn ra nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Kết luận thanh tra số 05/KL-UBND của UBND tỉnh Phú Yên chỉ rõ, Ban Quản lý Dự án VCF pha 1 và Dự án VCF pha 2 (Dự án do Tổ chức The VinaCapital Foundation - VCF tài trợ) đã thực hiện chi và thanh, quyết toán theo dự toán đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng có một số khoản chi thực hiện chưa đúng định mức theo quy định tại Quyết định số 26/QĐ-BNN-TC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Qua kiểm tra hồ sơ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn xã Eachà Rang và Krông Pa của huyện Sơn Hòa theo Dự án, UBND tỉnh kết luận, công tác quy hoạch rừng đặc dụng Krông Trai còn nhiều hạn chế. Sự biến động đất đai qua các thời điểm quy hoạch chưa được xem xét chỉnh lý kịp thời; công tác đánh giá hiện trạng rừng hằng năm để đề nghị điều chỉnh quy hoạch rừng chưa được chú trọng. Về những hạn chế này, ngoài trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Sơn Hòa... có trách nhiệm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai.

“Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Krông Trai còn buông lỏng, dẫn đến tình trạng phá rừng diễn ra nhiều năm nhưng không có giải pháp xử lý, dẫn đến người dân lấn chiếm khoảng 4.446,53 ha (tính đến năm 2021) đất thuộc quy hoạch rừng đặc dụng để sản xuất nông nghiệp; công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa nghiêm, nhiều vụ việc chưa được xử lý dứt điểm”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

leftcenterrightdel
Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, tỉnh Phú Yên. (Ảnh internet)

Có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ cấp GCNQSDĐ để thanh toán

Việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Eachà Rang và xã Krông Pa theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp có nhiều sai sót về trình tự, thủ tục. Cấp GCNQSDĐ vượt hạn mức đất sản xuất nông nghiệp cho 419 hộ gia đình, cá nhân là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 69 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ; kiểm tra, rà soát, không chặt chẽ dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp cho 111 thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân chồng lấn trên đất quy hoạch rừng đặc dụng.

Quá trình triển khai cấp GCNQSDĐ không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của huyện, dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân còn nhiều sai sót.

Đáng chú ý, UBND xã Eachà Rang và xã Krông Pa còn lưu giữ 305 GCNQSDĐ chưa giao cho người dân và chưa ký vào sổ cấp GCNQSDĐ của xã nhưng hồ sơ thanh toán của Dự án đa dạng hóa nông nghiệp, trong khi đó tất cả người dân đã ký nhận GCNQSDĐ. Điều này cho thấy có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán.

Bên cạnh đó, nội dung thanh lý hợp phần đo đạc, cấp GCNQSDĐ của Dự án đa dạng hóa nông nghiệp tại xã Krông Pa tăng hơn 174 GCNQSDĐ so với hợp đồng đã được ký giữa Ban Quản lý dự án Đa dạng hóa nông nghiệp tỉnh Phú Yên với Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Phú Yên.

UBND tỉnh Phú Yên nhận định, nguyên nhân những sai sót nêu trên do công tác chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thường xuyên, nhất là công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Năng lực xử lý, tham mưu xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng của Ban Quán lý rừng đặc dụng Krông Trai còn nhiều hạn chế, chỉ tập trung những vụ việc xảy ra nghiêm trọng được dư luận quan tâm, chưa có giải pháp để xử lý. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa được quan tâm, chú trọng dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế.

Mặt khác, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một số cán bộ chưa cao, thực hiện không đầy đủ, đúng trình tự thủ tục quy định, dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ có những sai sót.

Lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai được quy hoạch đan xen với khu dân cư, có đường Quốc lộ 25 đi qua, đời sống người dân ở khu vực này còn nhiều khó khăn; các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có nhiều thủ đoạn tinh vi trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu so với yêu cầu…

Xây dựng phương án, có giải pháp khắc phục sai sót, khuyết điểm

Từ kết quả thanh tra, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, sai sót đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra. Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng Krông Trai trên thực địa để xác định diện tích bị chồng lấn, diện tích bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Qua đó, xây dựng phương án, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp và có giải pháp khắc phục những sai sót, khuyết điểm.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa rà soát, đánh giá đúng hiện trạng rừng hiện nay để đề nghị điều chỉnh quy hoạch diện tích đất rừng đặc dụng Krông Trai phù hợp với hiện trạng sử dụng đất.

UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai tổ chức kiểm điểm, có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm do để xảy ra thiếu sót trong việc chi một số khoản tiền của dự án VCF pha 1 và VCF pha 2; thiếu sót trong quá trình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (từ năm 2006 - 2011) và Dự án Đầu tư Phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, trường hợp nào có dấu hiệu vi phạm Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Có biện pháp xử lý cương quyết tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Đối với UBND huyện Sơn Hòa, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai sót trong việc cấp GCNQSDĐ theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp năm 2006. Phối hợp kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất quy hoạch Rừng đặc dụng Krông Trai trên thực địa và đề ra biện pháp xử lý đối với các trường hợp đã cấp GCNQSDĐ chồng lấn trong phạm vi đất rừng đặc dụng; rà soát diện tích người dân đang sử dụng trong khu vực rừng đặc dụng để xử lý theo quy định pháp luật; tham mưu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện liên quan đất rừng đặc dụng phù hợp với thực tế sử dụng đất. Ngoài ra, kiểm tra, rà soát lại số GCNQSDĐ đã cấp theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp nhưng chưa giao cho người dân để có phương án xử lý dứt điểm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai sót trong việc thực hiện Dự án đa dạng hóa nông nghiệp./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra