Những năm qua, đặc biệt là năm 2024, hoạt động Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh, Thanh tra Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong “sứ mệnh” chung của ngành Thanh tra. Không chỉ là những xử lý về kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục ha đất thu hồi về ngân sách nhà nước mà việc đóng góp vào nội dung Thanh tra Chính phủ tham mưu xây dựng Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” sẽ giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, tác động tích cực tới phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Điểm sáng” trong hoạt động xử lý sau thanh tra
Trong năm 2023, thực hiện Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã chuyển đổi mô hình sang thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh (Cục V) với việc kế thừa các chức năng, nhiệm vụ của Vụ và được bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới.
Cục V đã tích cực, chủ động phối hợp tốt với các đơn vị, cục, vụ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Kết quả đạt được trong những năm gần đây được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, Cục V là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 02 năm liên tiếp và được tặng Cờ thi đua năm 2023. Năm 2024, Cục V tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác, trong đó nổi bật là hoạt động xử lý sau thanh tra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.
    |
 |
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Trong năm 2024, Cục V đã thực hiện việc đôn đốc bằng văn bản, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với 40 kết luận thanh tra (KLTT), kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xử lý thu về ngân sách nhà nước trên 5.300 tỷ đồng (trên tổng số gần 12.190 tỷ đồng), thu hồi được 32,06 ha đất (trên tổng số 55,8 ha đất); xử lý khác về kinh tế gần 3.000 tỷ đồng (trên tổng số gần 17.700 tỷ đồng) và 441.606 USD (trên tổng số 2.133.449 USD); căn cứ vào các kết luận, kiến nghị thanh tra, các đơn vị đã thực hiện kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 356 tập thể, 1.473 cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc; đã thực hiện 08/20 kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách.
Một nhiệm vụ nổi bật được thực hiện trong cuối năm 2024, đó là Cục V đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng Kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”; tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Kết luận số 77-KL/TW (Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8).
Sáng tạo, đột phá để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện các kết luận thanh tra
Hoạt động xử lý sau thanh tra bao gồm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT được pháp luật quy định một mặt nhằm đảm bảo cho các KLTT được thực thi nghiêm túc, đúng thời hạn; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật nếu phát hiện hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ KLTT.
Mặt khác, qua công tác xử lý sau thanh tra kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị trong các KLTT, từ đó có giải pháp tháo gỡ, tổ chức thực hiện KLTT; hoặc phát hiện các tồn tại, hạn chế, vi phạm, trong các KLTT đã ban hành nhằm khắc phục, sửa chữa, tổng kết, đánh giá các tồn tại, hạn chế, vi phạm. Qua đó, nâng cao chất lượng, kết quả hoạt động thanh tra cho thời gian tiếp theo.
    |
 |
Nhiều KLTT đã ban hành nhiều năm nhưng chưa thể kết thúc việc xử lý sau thanh tra. (Ảnh minh họa - ITN) |
Việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện KLTT được thực hiện với những điều kiện và bối cảnh mới. Trung ương Đảng và Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện Nghị quyết XIII, tổng kết đánh giá những thành tựu, kết quả và chỉ ra những bất cập, “điểm nghẽn” trong lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội; quyết liệt thực hiện chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí nguồn lực trong các dự án đầu tư, quản lý sử dụng đất đai, nhằm tạo đà để đưa đất nước bước vào vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó có nêu: “Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung…”.
(còn nữa)