Trong năm 2024, Thanh tra tỉnh Tây Ninh và các cơ quan Thanh tra chủ động liên hệ thực tế ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2024 của Thanh tra Chính phủ; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi thực hiện nhiệm vụ thông qua kiểm tra văn bản, trao đổi thường xuyên, qua đó đã kịp thời nắm thông tin về khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của ngành để lãnh đạo hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, đạt được nhiều kết quả sau thanh tra.
|
|
Quan cảnh buổi Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Thanh tra tỉnh Tây Ninh |
Toàn ngành Thanh tra Tây Ninh đã triển khai thực hiện nhiều cuộc thanh tra bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm, qua đó đã phát hiện vi phạm 29,4 tỷ đồng, 999.520 m2 đất; kiến nghị thu hồi 29,4 tỷ đồng và 999.520 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 26 tổ chức, 215 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ 3 đối tượng; ban hành 115 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 4 tỷ đồng…
Cạnh đó, các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh đã tiếp 1.698 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), phản ánh, kiến nghị; đến trình bày 1.297 vụ việc; có 1 đoàn đông người; xử lý 192 đơn KNTC đủ điều kiện, trong đó có 39 đơn khiếu nại và 11 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 43/69 đơn KNTC thuộc thẩm quyền; chấp hành đúng thời hạn giải quyết theo quy định 33/43 vụ.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, trong kỳ, thông qua công tác điều tra của Bộ Công an phát hiện 1 vụ/2 người có dấu hiệu tham nhũng; khởi tố 1 vụ án, 7 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ/5 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ/8 bị cáo; tiếp tục theo dõi 3 vụ/16 người có dấu hiệu tham nhũng đang được xử lý, chưa xét xử sơ thẩm; đã thu hồi tài sản tham nhũng 999 triệu đồng; đã xử lý kỷ luật 2 lãnh đạo; miễn trách nhiệm 2 lãnh đạo; đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 vụ/6 người…
Nhìn chung, các cơ quan Thanh tra trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Đến nay, toàn ngành đã triển khai 40/40 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch từ đầu năm, đạt 100% và 6 cuộc thanh tra đột xuất. Công tác thanh tra đã chủ động rà soát, không để xảy ra việc thanh tra chồng chéo, trùng lắp. Công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, đôn đốc xử lý sau thanh tra được chú trọng và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Trong năm 2025, toàn ngành Thanh tra tỉnh Tây Ninh tiếp tục đổi mới tư duy, xác định kỹ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra để phát hiện sai ra phạm nhằm xử lý nghiêm minh, PCTNTC. Trong đó, bao gồm cả việc phát hiện ra những kẽ hở của cơ chế chính sách để tham mưu cho cấp uỷ, UBND cùng cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành để xây dựng, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa sai phạm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Thanh tra là để phục vụ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, góp phần cho công tác đánh giá cán bộ... Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, không để Thanh tra trở thành lực cản của sự phát triển. Thanh tra là để duy trì kỷ luật, kỷ cương phép nước nhưng phải thấu tình, đạt lý và khả thi. Do đó, toàn ngành Thanh tra Tây Ninh tiếp tục nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật liên quan, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ đạo, trong quá trình thực hiện kế hoạch năm 2025, công tác thanh tra phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Qua thanh tra kịp thời phát hiện vi phạm, xem xét kỹ tính chất và mức độ vi phạm, nhất là những vi phạm mang tính cố ý, có động cơ vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm là phải xử lý nghiêm; xử lý phải tâm phục, khẩu phục và có khả năng thực hiện. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xử lý sau thanh tra; rà soát, củng cố lực thượng thanh tra theo hướng tinh gọn, hiện quả, phù hợp với năng lực và sở trường của cán bộ.
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, ông Nguyễn Hồng Thanh đề nghị ngành Thanh tra phải thường xuyên quan tâm củng cố đội ngũ này, trong đó chú ý đến yếu tố kỹ năng; ưu tiên giải quyết KNTC ngay khi mới phát sinh từ cấp cơ sở. Ngành Thanh tra đôn đốc thực hiện các khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài ra, cơ quan Thanh tra tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành để thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh về công tác PCTNTC, lãng phí, nhằm cụ thể hoá và triển khai thực hiện các chỉ đạo này; rà soát lại việc kê khai tài sản thu nhập. Đối với ý kiến về việc chi tiền chế độ trong công tác tiếp công dân còn gặp khó khăn, ông Thanh đề nghị các địa phương báo cáo cụ thể về tình hình thực tế còn bao nhiêu xã, huyện, cơ quan, đơn vị gặp khó khăn về vấn đề này và nguyên nhân do đâu, để có hướng chỉ đạo xử lý.
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Hoàng Nam, năm 2025 là năm có khối lượng công việc lớn, toàn ngành Thanh tra sẽ sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại hội nghị.
Theo đó, toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27.10.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực... Thanh tra tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế phối hợp.