Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng

Thứ sáu, 23/02/2024 14:03
(ThanhtraVietNam) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/1/2024 và sẽ có hiệu lực từ 1/7 năm nay. Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát và quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát được quy định trong Luật này. Trong đó, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Bộ Tài chính thanh tra hoạt động về chứng khoán của tổ chức tín dụng

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật gồm: 15 chương, 210 điều. Việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập thời gian qua; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản.

Luật quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Chương XIV của Luật quy định về Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát và Quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát.

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong phạm vi cả nước; Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài; Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động đại lý bảo hiểm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm…

Về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát, Điều 207 Luật quy định, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác.

Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Còn Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan; Kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan; Chủ trì, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Đồng thời, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo thẩm quyền.

Luật cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát tại Điều 208 như sau: (1) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát. (2) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. (3) Bảo đảm khả năng kết nối, truy cập dữ liệu trực tuyến phục vụ hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (4) Báo cáo, giải trình đối với kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. (5) Thực hiện kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. (6) Thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật..

leftcenterrightdel
 Cùng với Luật Các tổ chức tín dụng, cuộc họp báo do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức hôm 19/2/2024 còn công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh:  Cổng TTĐT Chính phủ

Tập trung vào thanh tra những vấn đề dễ phát sinh rủi ro, nổi cộm

Theo Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Một trong các nhiệm vụ của cơ quan này là xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra đối với Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh...

Về Định hướng thanh tra năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào thanh tra những vấn đề dễ phát sinh rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội và các cơ quan quản lý quan tâm như:

Một là, cấp tín dụng tập trung vào các khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro;

Hai là, cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; cho vay chéo…);

Ba là, thanh tra việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Ngoài các vấn đề dễ phát sinh rủi o trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như trên; căn cứ điều kiện, tình hình về nguồn nhân lực, thời gian thanh tra và các yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra, còn xem xét lựa chọn thêm một hoặc một số nội dung khác.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra