Kế hoạch này được triển khai nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ trên phạm vi cả nước, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương; ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước để kiến nghị biện pháp khắc phục.
Kết quả thanh tra sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có), sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện trách nhiệm công vụ.
Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Y tế, Giáo dục và đào tạo và UBND các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng. Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phů. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra tại các quận, huyện, sở, ban, ngành trực thuộc.
Kế hoạch nêu rõ, việc thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, không gây cản trở đến hoạt động của đơn vị được thanh tra; tuân thủ đúng quy định của pháp luật; có trọng tâm, trọng điểm và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thanh tra.
Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung thanh tra, thời kỳ thanh tra, đối tượng thanh tra để thống nhất thực hiện.
|
|
Không chỉ đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, chuyên đề thanh tra này còn ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước. Ảnh: NT |
Vụ Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các vụ I, II, III; cục I, II tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện thanh tra của thanh tra các bộ, ngành, địa phương; xử lý những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ; tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề và đề xuất, kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật.
Các vụ I, II, III được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu thành lập 3 đoàn thanh tra.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch này, đề cương hướng dẫn gửi kèm theo kế hoạch và tình hình thực tế thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trong quý 4/2023 của cơ quan, đơn vị mình. Kết thúc thanh tra trực tiếp, tổng hợp kết quả trình cấp có thẩm quyền để ban hành báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, đồng thời gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/4/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trực tiếp, với thời hạn là tối đa 45 ngày, triển khai thanh tra trong tháng 12/2023. Trong đó, thời kỳ thanh tra được xác định là từ ngày 15/7/2021 cho đến 30/11/2023.
Trước đó, vào ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình Tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu của Chương trình này là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.
Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; chủ trì xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cải cách hành chính để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm đúng lộ trình cải cách của Chính phủ; chủ động xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 5 năm hoặc cả giai đoạn 2021 - 2030 để tổ chức thực hiện; bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật…