Lâm Đồng:

Thanh tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép

Thứ hai, 18/09/2023 15:59
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những giải pháp của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, không có nguồn gốc hợp pháp; bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện công bố địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh mọi thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, lực lượng Công an và Quân đội tổ chức kiểm tra, truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để chấn chỉnh, xử lý; tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa, tịch thu nhiều phương tiện phục vụ khai thác trái phép, không phép để xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo thống kê, UBND các huyện, thành phố, lực lượng Công an tỉnh, các huyện, thành phố năm 2020 xử lý 207 trường hợp khai thác khoảng sản bất hợp pháp với tổng số tiền xử phạt 2,43 tỷ đồng, chuyển 01 hồ sơ để khởi tố. Năm 2021, xử lý 162 trường hợp với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng (tịch thu 1.33 1,7m khoáng sản, thu 05 tàu, 8 máy múc); năm 2022 xử lý 87 trường hợp khai thác khoáng sản bất hợp pháp với tổng số tiền xử phạt 3,67 tỷ (đồng, tịch thu 21,5m3 khoáng sản, thu 02 tàu, 08 máy múc, 02 xe ben, 15 máy nổ); 6 tháng đầu năm 2023 đã xử lý 36 đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản, xử phạt vi phạm hành chính 2,68 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản, việc mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra nhưng chưa kịp thời ngăn chặn, gây dư luận không tốt trong nhân dân, thất thoát tài nguyên và ngân sách của Nhà nước; việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện kịp thời, đầy đủ về báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thiết kế mỏ...; còn đơn vị sử dụng máy móc thiết bị cũ, lạc hậu trong khai thác, chế biến khoáng sản…

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thanh tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Ảnh: Internet 

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân khách quan do việc áp dụng các quy định để quản lý bảo vệ khoáng sản liên quan đến nhiều Luật (đất đai, khoáng sản, môi trường, đầu tư, thuế..) còn chồng chéo, có điểm chưa rõ, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện; nhu cầu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng, giao thông, xây dựng thời gian qua tăng cao; lợi nhuận mang lại từ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không phép lớn (do không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan).

Cùng với đó nguyên nhân chủ quan là do công tác phối hợp để giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế; việc quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chưa phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm, triệt để các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không phép, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế vì lợi nhuận nên chưa nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định có liên quan trong hoạt động khoáng sản...

Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chuyên môn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 62 tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kết quả đã xử phạt hành vi vi phạm hành chính 42 trường hợp với tổng số tiền nộp phạt trên 8,56 tỷ đồng và truy thu số lợi bất hợp pháp theo thẩm quyền với số tiền hơn 6,88 tỷ đồng.

Từ những tồn tại trên, UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn quản lý nhưng không chủ động đề xuất, tham mưu các biện pháp xử lý hoặc không có biện pháp xử lý hữu hiệu, để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ, chính xác và thống nhất với nội dung của phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt.

Thực hiện công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức với phương châm dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ để doanh nghiệp, người dân biết và tham gia giám sát quá trình thực hiện; yêu cầu thực hiện cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt.

UBND cấp huyện, UBND cấp xã chịu trách nhiệm tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan, đơn vị và Nhân dân thuộc địa phương quản lý. Vận động Nhân dân cùng giám sát hoạt động khoáng sản, không khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm cho chính quyền địa phương; thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

An Khang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra