Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra:

Thiết lập, duy trì tính chuyên nghiệp hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện

Thứ năm, 16/11/2023 11:23
(ThanhtraVietNam) - Xác lập cơ sở khoa học để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả việc tổ chức hoạt động thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cấp huyện.

Tính độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động vào thanh tra huyện còn khá yếu

Bên cạnh mục đích chính là là xác lập cơ sở khoa học để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả việc tổ chức hoạt động thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cấp huyện thì Đề tài khoa học cấp bộ “Tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp huyện: Thực trạng và giải pháp” do TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra CL&KHTT làm Chủ nhiệm cũng sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề chung về tổ chức hoạt động tiếp công dân, thanh tra, giải quyết KNTC ở cấp huyện như: quan niệm, vai trò, chủ thể, thẩm quyền, phạm vi thực hiện quyền.

Báo cáo kết quả nghiên cứu tại cuộc họp Hội đồng tự đánh giá cấp cơ sở, TS Phạm Thu Huệ cho biết, Đề tài cũng sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức hoạt động tiếp công dân, hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC ở cấp huyện; đánh giá thực trạng việc tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp huyện, làm rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời, đề xuất quan điểm, giải pháp về tổ chức về hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong tương lai.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi báo cáo của Chủ nhiệm Đề tài trước Hội đồng. Ảnh: P.V 

Đề tài này sẽ nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp huyện, việc tổ chức động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC sẽ đưa hoạt động này vào nề nếp, đảm bảo, tạo sự thống nhất, ổn định trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC tại địa phương, cũng như thiết lập và duy trì tính chuyên nghiệp cho hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC .

Theo Chủ nhiệm đề tài, mô hình và bộ máy tổ chức hoạt động thanh tra huyện chưa hợp lý; thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra cấp tỉnh, huyện còn hạn chế. Thực tiễn cho thấy, về cơ bản thanh tra huyện thực hiện tất cả các lĩnh vực công tác của Ngành, tuy nhiên mức độ thực hiện có sự khác biệt rõ rệt. Hoạt động thực tế của cơ quan thanh tra huyện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giải quyết KNTC.

Quá trình nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại các địa phương, nhiều ý kiến cũng cho rằng hoạt động của thanh tra huyện hiện tại phụ thuộc rất lớn vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Vấn đề tính độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động vào thanh tra huyện còn khá yếu. Từ việc tổ chức bộ máy nhân sự đến xây dựng kế hoạch thanh tra, quá trình tiến hành thanh tra, ra kết luận thanh tra… thanh tra huyện đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện.

Cùng với đó, thẩm quyền của Chánh thanh tra tỉnh trong tổ chức hoạt động thanh tra cũng là khá hạn chế. Việc tổ chức thực hiện, thanh tra huyện vẫn phải tuân thủ sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện để đảm bảo yêu cầu, mục tiêu quản lý nhà nước tại địa phương. Ngoài ra, một số quy định về hoạt động thanh tra không phù hợp với thanh tra huyện, chẳng hạn quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra chỉ phù hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, ít phù hợp với thanh tra tỉnh và không phù hợp với thanh tra huyện. Việc bố trí nguồn lực cho tổ chức hoạt động thanh tra chưa tương xứng.

Pháp luật tiếp công dân quy định về tổ chức và hoạt động tiếp công dân vẫn còn có những bất cập

Đối với hoạt động tiếp công dân, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, pháp luật tiếp công dân quy định về tổ chức và hoạt động tiếp công dân còn có những bất cập, thiếu sót như quy định về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của các cơ quan tiếp dân từ trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất.

Đồng thời, pháp luật giải quyết KNTC còn bất cập về thẩm quyền giải quyết KNTC của thanh tra huyện và Chánh thanh tra huyện. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa quy định cơ chế xử lý những vi phạm trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC…

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra giải pháp đổi mới cách thức tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC ở cấp huyện. Xu hướng trong thời gian tới là tiếp tục xác định cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng thời, đổi mới tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC cấp huyện phải gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; gắn với quan điểm mục tiêu phát triển ngành Thanh tra, quan điểm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…

Với những kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài, Hội đồng đánh giá đều cho rằng Đề tài có tính mới, các nội dung chi tiết, đa dạng. Tuy nhiên, theo TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, đề tài cần bổ sung nội dung thanh tra. Vấn đề hoàn thiện pháp luật cần đưa ra là hoàn thiện pháp luật về thanh tra, về KNTC và về tiếp công dân; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC cấp huyện.

leftcenterrightdel
 TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm Đề tài. Ảnh: P.V
ThS Lê Văn Đức, Viện CL&KHTT thì cho rằng, Chương I của Đề tài cần phải đặt một nền móng lý thuyết về tổ chức thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC; cần có những đánh giá, các yếu tố ảnh hưởng, bổ sung thêm nguyên tắc song trùng lãnh đạo. Chương II cần sắp xếp lại, bổ sung thêm phần đánh giá các nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC cấp huyện. Phần nguyên nhân của hạn chế về thanh tra là chưa có. Đề tài phải đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Vế kết quả nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo, cũng như các ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng, TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ tịch Hội đồng đã kết luận thống nhất với ý kiến của các thành viên hội đồng; Đề tài cần bổ sung, cập nhật các quy định của Luật Thanh tra năm 2022; cần bám sát vào khung lý thuyết, đặc biệt là các khái niệm.

Cụ thể, Chương I xác định rõ chủ thể, nội dung của tổ chức hoạt động, các yếu tố ảnh hưởng, tác động cần được cụ thể hơn. Chương II và chương III cần đi theo khung lý thuyết ở chương I. Mục tiêu đề tài đưa ra chỉ là hoàn thiện pháp luật. Vì vậy, cần chỉnh lại là mục tiêu đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Cũng theo ông Hoàng, tên chương III là đổi mới cách thức tổ chức lại là sang một vấn đề khác, vì vậy, đổi tên chương III là: Quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC cấp huyện. Kết cấu các mục cần theo logic gắn với chủ thể. Phần đánh giá chung tập trung đánh giá thực trạng về tổ chức thanh tra, tiếp công dân, KNTC. Bổ sung đánh giá tổ chức thực hiện pháp luật thanh tra…

Với những kết quả đạt được, Hội đồng Đánh giá cấp cơ sở đề nghị Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu chỉnh sửa hoàn chỉnh để đưa ra nghiệm thu chính thức./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra