Thanh tra tỉnh Đồng Nai:

Thu hồi hơn 5 tỷ đồng qua thực hiện các kết luận sau thanh tra

Thứ hai, 01/07/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những kết quả đáng chú ý của Ngành thanh tra tỉnh Đồng Nai trong trong 6 tháng đầu năm 2024.

Qua giải quyết khiếu nại đã mang lại nhiều quyền lợi trực tiếp cho công dân

Mất hơn 170 tỷ đồng Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch còn bị cách chức

Xử phạt hành chính hơn 43 tỷ đồng

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 47 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực. Trong đó, có 32 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 15 cuộc thanh tra đột xuất.

Đến nay, toàn ngành đã ban hành 25 kết luận thanh tra tại 86 đơn vị; với tổng số tiền sai phạm là 1.341,35 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 935,65 triệu đồng về ngân sách nhà nước, xử lý khác về kinh tế 405,7 triệu đồng; đồng thời, xử lý hành chính 59 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 01 vụ.

Về thực hiện kết luận thanh tra, trong kỳ, ngành Thanh tra đã theo dõi, đôn đốc việc thực hiện 55 kết luận thanh tra; trong đó có 15 kết luận được kiểm tra trực tiếp. Hiện đã hoàn thành 09 kết luận, tiếp tục theo dõi 46 kết luận chưa hoàn thành. Kết quả thực hiện, đã thu hồi về ngân sách nhà nước 5.488,65 triệu đồng/15.933,85 triệu đồng; tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi số tiền 10.445,2 triệu đồng. Đồng thời, xử lý hành chính 07/120 cá nhân, tiếp tục theo dõi xem xét xử lý hành chính 18 tổ chức, 113 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 08 vụ việc.

Trong kỳ, Ngành Thanh tra đã triển khai 21 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; đã ban hành 14 kết luận tại 18 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những vi phạm chủ yếu như: Chưa thực hiện hết trách nhiệm đối với công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác hòa giải đất đai và chế độ thông tin báo cáo; việc thực hiện báo cáo về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng chưa đảm bảo đúng chỉ đạo...

Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong kỳ đã triển khai 369 cuộc trong các lĩnh vực như: Công thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và đào tạo, Kế hoạch và đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa thể thao và du lịch, Y tế.

Đã ban hành kết luận 114 cuộc. Qua thanh tra phát hiện 481 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổng số tiền vi phạm 128,18 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 50,84 triệu đồng, xử lý khác 77,34 triệu đồng. Đồng thời, ban hành 529 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 43.927,652 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Đồng Nai chú trọng thanh tra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện trong thời gian tới (Ảnh: ĐT)

Phương hướng và giải pháp trong thời gian tới

Với kết quả đạt được nêu trên, để hoàn hành kế hoạch thanh tra năm 2024, Thanh tra tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, đó là: Triển khai thực hiện các cuộc thanh tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên; trong đó, tập trung thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực sau: Thực hiện thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các sở, ngành và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng và thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được cấp sở, ngành và UBND cấp huyện đã kết luận nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật.

Thanh tra tỉnh cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để các đơn vị thực hiện, đó là: Trên cơ sở xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, các đơn vị phải phối hợp với nhau để rà soát tranh không xảy ra trùng lắp, chồng chéo nhau, đặc biệt là trong hoạt  động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra. Cần nắm rõ thông tin về nội dung thanh tra; tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của cuộc thanh tra; khảo sát xây dựng đề cương phải đầy đủ từ đó có thể xác định được trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải lấy pháp luật làm căn cứ để đánh giá, đồng thời phải có quan điểm lịch sử cụ thể, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương mà đánh giá đúng mức tính hợp lý trong hoạt động của đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Kết luận thanh tra, kiểm tra phải thật cụ thể, chính xác, bảo đảm cả tính hợp pháp, hợp lý và có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, trưởng đoàn thanh tra cần chủ động bao quát, nghiệm thu kết quả đối với thành viên đoàn thanh tra ngay trong thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra cần dành nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra trước khi kết thúc thanh tra. Từ đó tạo ý kiến thống nhất, đồng thuận giữa các thành viên đoàn thanh tra, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, kéo dài thời gian thanh tra và thời gian dự thảo kết luận thanh tra.

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra