Tham dự Hội nghị tổng kết, về phía Thanh tra Chính phủ có ông Nguyễn Đức Hương – Phó Cục trưởng Cục III, TTCP.
Về phía UBND tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; toàn bộ công chức Thanh tra tỉnh cùng lãnh đạo thanh tra các sở, ngành và cấp huyện cùng tham dự.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai – Trần Thị Song Bình cho biết: Trong năm 2024, Ngành Thanh tra Đồng Nai đã bám sát Kế hoạch thanh tra được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của cấp trên để triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
|
|
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai Trần Thị Song Bình báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Thanh Thủy) |
Cụ thể, Ngành Thanh tra tỉnh đã thực hiện 90 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực tài chính, ngân sách, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng... Qua thanh tra, đã phát hiện vi phạm và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền gần 4 tỷ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 44 tổ chức, 64 cá nhân; đồng thời chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 04 vụ việc.
Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong năm, Thanh tra các sở, ban ngành thuộc tỉnh đã thực hiện 1.019 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và thu hồi về ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; ban hành 803 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp 13.638 lượt với 16.378 người của 14.137 vụ việc; tăng 1.607 lượt, tăng 709 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận đơn 15.303 đơn các loại; trong đó, có 14.623 đơn tiếp nhận trong kỳ tăng 2.313 đơn, tương đương tăng 18 % so với năm trước.
|
|
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TT) |
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, trong năm 2024, các cơ quan hành chính đã giải quyết 6.928 đơn gồm 540 đơn khiếu nại, 78 đơn tố cáo, 6.310 đơn kiến nghị, phản ánh/ 7.706 đơn quyền đạt tỷ lệ giải quyết là 90% vượt kế hoạch đề ra.
Về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong năm 2024, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về PCTN và chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngành Thanh tra Đồng Nai đã thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện tốt các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và nhiệm vụ công vụ năm 2024.
|
|
Các đại biểu tham luận tại hội nghị (Ảnh: TT) |
Trong năm 2024, Thanh tra tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ xác minh tài sản, thu nhập để tiến hành xác minh đối với 57 công chức, viên chức tại 09 đơn vị. Kết quả, Tổ xác minh đã công bố 09 Kết luận xác minh tài sản, thu nhập năm 2024; theo đó, kết luận xác minh đã chỉ rà nhiều hạn chế, thiếu sót của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cơ quan quản lý công chức đã xử lý kiểm điểm kỷ luật khiển trách 01 trường hợp.
Đặc biệt, kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai năm 2023, được xếp thứ 8 cả nước và là một trong 15 tỉnh có điểm số trên 70 điểm.
|
|
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TT) |
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế như: Vẫn còn một số trường hợp chậm nộp, trả tiền vào ngân sách nhà nước theo kết luận, kiến nghị, quyết định thu hồi tiền của cấp có thẩm quyền; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các sai phạm theo kết luận, kiến nghị thanh tra vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm; việc đôn đốc, xử lý các thiếu sót, sai phạm còn chậm thời gian quy định.
Một số đơn vị, địa phương vẫn còn hạn chế về số lượt tiếp công dân của thủ trưởng đơn vị; còn trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo về thời gian…
Số vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý qua hoạt động tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực còn kéo dài, hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý tham nhũng, tiêu cực chưa cao.
Tại hội nghị, Thanh tra các huyện đã chia sẽ kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2024.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Thanh tra tỉnh đề nghị thanh tra sở, ngành, huyện chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:
Bám sát kế hoạch thanh tra năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5766/QĐ-UBND ngày 10/12/2024; yêu cầu, chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra diện rộng, đột xuất được giao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, đảm bảo tiến độ, chất lượng thanh tra; việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo đúng quy định. Thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến. Tăng cường công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là việc xử lý cán bộ vi phạm và việc thu hồi tiền, tài sản, đất đai; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung tham mưu cho lãnh đạo cùng cấp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; Tăng cường theo dõi, đôn đốc để bảo đảm kết quả thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo của cấp thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật phải nghiêm túc, triệt để đạt tỷ lệ trên 90%. Tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý, giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch và Kết luận của Tỉnh ủy.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn, triển khai tốt các nội dung của Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn được ban hành.
|
|
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TT) |
Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường ngày càng trong sạch, cạnh tranh, hạn chế thấp nhất các hành vi tiêu cực, tham nhũng để phục vụ tốt hơn cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cũng như chủ động hơn nữa trong việc thực hiện xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn khi có biến động bất thường theo hướng tăng cường tính tự giác, chủ động và có những chế tài nghiêm khắc khi để xảy ra sai phạm.