Theo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, trong việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua kiểm tra cho thấy một số tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn chưa phù hợp với đặc thù yêu cầu giám sát, quản lý của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; hiện chưa có Quy chế xây dựng, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Trụ sở Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hiện đang xuống cấp, gây ảnh hưởng tới công tác tiếp nhận - trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
|
|
Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: ST |
Công tác triển khai Đề án giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số nhiệm vụ trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm còn gặp một gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định cụ thể của Bộ, ngành về định mức kinh tế kỹ thuật, đon giá thuê dịch vụ.
Việc thực hiện phi địa giới hành chính trong tiếp nhận, trả kết quả các TTHC cấp huyện, xã tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, ghép Bộ phận một cửa các cấp vào Trung tâm trên nguyên tắc chỉ có một Bộ phận một cửa duy nhất trên cùng một địa giới hành chính để giảm đầu mối, giảm số lượng cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế pháp lý và tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra việc tham mưu UBND tỉnh đối với việc công bố, công khai TTHC cho thấy, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 131/KH-UBND của UBND tỉnh tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất trang thiết bị như máy scan khổ lớn, khô dày, máy tính chuyên dụng, chữ ký số và chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, phân công nhiệm vụ đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực.
Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều cải thiện theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ (giai đoạn 2021-2025 đạt 50% hồ sơ trực tuyến, tuy nhiên tỉnh mới chỉ đạt 37,09% trong 02 năm 2022,2023).
Đối với kết quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh nêu rõ, số hồ sơ chậm hạn, quá hạn giải quyết TTHC, chậm trả lại hoặc chậm rút hồ sơ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có giảm theo từng năm nhưng vẫn còn tương đối nhiều; chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đất đai.
Nguyên nhân chậm hạn gồm có nguyên nhân khách quan như Phần mềm dịch vụ công (IGATE) đang thử nghiệm, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc: Giao diện phần mềm khó thực hiện, một số tính năng chưa phù hợp, khó sử dụng, có thời điểm bị lỗi, treo, cán bộ công chức không xử lý kịp thời; Sự cố mất điện, mất mạng, mạng yếu; một số máy tính cũ, máy scan còn thiếu; một số TTHC phát sinh nhiều hồ sơ, thời hạn giải quyết ngắn...;
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là do lỗi của cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố không xem xét, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định.
Ngoài ra, trong việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC, Một số Sở, ngành, địa phương đã thực hiện xin lỗi nhưng chưa đúng mẫu, chưa hẹn lại được ngày trả kết quả, không gửi Văn bản xin lỗi trước 01 ngày so với ngày hẹn trả kết quả, thực hiện không đúng quy định tại Thông tri 01/201 8/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ, cụ thể như: Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Vĩnh Yên; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội..
Một số Sở, ngành, địa phương chưa thực hiện xin lỗi đầy đủ khi có hồ sơ chậm hạn, quá hạn như: Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, UBND huyện Bình Xuyên.
Một số trường hợp hồ sơ liên thông bị chậm hạn chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm xin lỗi thuộc đơn vị nào, nên việc theo dõi, đôn đốc gặp nhiều khó khăn.
Từ những tồn tại, hạn chế trên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát danh mục TTHC, quy trình nội bộ đã được công bố thuộc chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành để xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
Tham mưu đơn giản hóa TTHC, hạn chế việc tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ giấy; thực hiện ký số trong giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết TTHC.
Cùng với đó, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về giải quyết TTHC; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra công tác kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thiếu sót, vi phạm.