Vi phạm tại gói thầu liên quan Chương trình 775 và Đề án 1436 ở Điện Biên

Thứ năm, 03/11/2022 15:34
(ThanhtraVietNam) – Nhiều vi phạm trong thực hiện các gói thầu liên quan đến Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 -2020 theo Quyết định 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 (Chương trình 775) và Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục Mầm non và giáo dục Phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 (Đề án 1436) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được Thanh tra tỉnh này chỉ ra.

Giảm dần chênh lệch giữa các vùng, miền

Mục tiêu tổng quát của Chương trình 775 là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú; sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi… Tổng vốn thực hiện Chương trình này gồm ngân sách Trung ương và địa phương là hơn 4.401 tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì hướng dẫn thực hiện Chương trình. UBND tỉnh tổ chức thực hiện ở địa phương, Sở GDĐT là đầu mối tham mưu đề xuất phương án đầu tư, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá…

Đề án 1436 hướng tới bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Kinh phí thực hiện gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, Trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng với nguồn xã hội hóa. Bộ GDĐT xây dựng kế hoạch; hướng dẫn địa phương thực hiện; hướng dẫn chi tiết cơ cấu các nguồn vốn để triển khai; kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện. UBND tỉnh được giao xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên lồng ghép bố trí vốn đã phân bổ và dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Đề án.

Theo ghi nhận của Thanh tra tỉnh, dù kinh phí còn hạn hẹp, song địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí ngân sách chi cho GDĐT với tỷ trọng tương đối lớn; đã khắc phục khó khăn về điều kiện giao thông, mặt bằng để xây dựng các công trình trường lớp học, vận chuyển, cung ứng trang thiết bị dạy học tới các trường kịp thời, đúng tiến độ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà nội trú, ký túc xá, bếp ăn được đầu tư đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường; tạo điều kiện cho học sinh bán trú, nội trú tiếp cận môi trường học tập, ăn, ở ổn định, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, góp phần duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ II trên địa bàn…

leftcenterrightdel

Ruộng bậc thang ở Điện Biên. Ảnh: Vân Quảng Tâm

Chậm tham mưu, hướng dẫn không sát thực tế

Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1.119.541.456 đồng sai phạm trong đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị của Sở GDĐT, UBND huyện Điện Biên, Phòng GDĐT huyện Điện Biên Đông.

Kết luận thanh tra số 405/KL-TTr ngày 26/7/2022 của Thanh tra tỉnh Điện Biên đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện Chương trình 775 và Đề án 1436.

Đó là, công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu của Bộ GDĐT; phối hợp giữa Sở GDĐT với các sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí ngân sách địa phương đầu tư cho Chương trình thiếu chủ động, dẫn đến nguồn kinh phí địa phương bố trí chưa đảm bảo.

Qua thanh tra trong năm 2020, 2021 đơn vị được giao thường trực Chương trình 775 và Đề án 1436 là Sở GDĐT không thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch số 744/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh. Không ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án theo Kế hoạch 744, dẫn đến việc triển khai không thống nhất, không rõ ràng; cấp huyện không xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch của tỉnh.

Hàng năm, Sở GDĐT, UBND cấp huyện đều bố trí kinh phí từ các nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường, lớp học trên địa bàn, tuy nhiên, việc bố trí kinh phí lại không gắn với các nội dung trong Kế hoạch 744 của tỉnh.

Đồng thời, công tác hướng dẫn, lập, thẩm định, rà soát danh mục trang thiết bị giáo dục mua sắm thiếu chặt chẽ, không cụ thể, không rõ ràng về tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật, không bám sát điều kiện thực tế của các trường học, dẫn đến có một số thiết bị đã được mua sắm sai thông số kỹ thuật, vượt định mức, không nằm trong danh mục thiết bị được đầu tư theo Chương trình 775 hoặc thiết bị đã mua sắm nhưng sử dụng không hiệu quả, không phù hợp điều kiện thực tế, gây lãng phí.

Văn bản yêu cầu các đơn vị thẩm định giá vật tư, thiết bị chưa quy định rõ ràng, thiếu chặt chẽ dẫn đến các đơn vị này không cung cấp đầy đủ kết quả thẩm định.

Việc phê duyệt dự toán trong các gói thầu mua sắm trang thiết bị có một số mặt hàng vật liệu xây dựng thông thường giá cao hơn giá do liên ngành Tài chính - Xây dựng công bố.

Ngoài ra, còn chưa chấp hành đầy đủ quy trình, trình tự thủ tục trong lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện lựa chọn nhà thầu, hợp đồng mua sắm trang thiết bị, nghiệm thu thanh toán kinh phí mua sắm.

Công tác theo dõi, quản lý các trang thiết bị được mua sắm tại một số trường học chưa chặt chẽ; một số trang thiết bị chưa được phản ánh đầy đủ trong sổ sách kế toán; thiết bị được mua sắm không phù hợp điều kiện thực tế song chậm được điều chuyển để sử dụng làm lãng phí nguồn lực đầu tư.

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại một số công trình dự án còn tồn tại, khuyết điểm như: chưa kiểm tra rà soát kỹ năng lực, điều kiện của các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công; chưa kiểm soát kỹ công tác lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ dự toán do các đơn vị tư vấn thực hiện dẫn đến phê duyệt dự toán chưa chính xác; giám sát thi công và nghiệm thu khối lượng chưa chặt chẽ, dẫn đến thanh toán không đúng thực tế khối lượng thi công...

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra